Cụ thể, đối tượng Võ Thị Hồng Phúc (còn gọi là Ốc) sinh năm 1990, ngụ tổ 1, thôn Phát Chi, xã Trạm Thành, thành phố Đà Lạt đã tìm cách tiếp cận nhóm thiện nguyện Ka Đô thông qua lời giới thiệu của bà Lê Thị Thuận (ngụ Krăngọ 2, xã Ka Đơn). Để các thành viên trong nhóm tin tưởng, Phúc đã tham gia vào các buổi từ thiện của nhóm và có góp tiền nhằm xây dựng lòng tin với mọi người.
Khi đã có được sự tin tưởng của các thành viên trong nhóm, Phúc chủ động nhắn tin cũng như gặp riêng từng người trong nhóm thiện nguyện để mượn tiền với nhiều lý do được viện ra như đáo hạn ngân hàng, cùng hợp tác buôn bán bất động sản.
Trong đơn kêu cứu gửi Báo Pháp luật Việt Nam, bà Lê Thị Đào (SN 1966, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) cho biết, từ tháng 9/2018, bà Phúc cùng chồng là Nguyễn Ngọc Quang mượn của bà Đào số tiền 700 triệu. Tiếp đó, đến tháng 11/2018 bà Phúc mượn tiếp 1 tỷ đồng nữa và hứa sẽ thanh toán trong tháng.
Nghĩ chỗ quen biết lại thấy Phúc có tâm làm từ thiện, bà Đào cho Phúc mượn mà không hề tính lãi. Nhưng khi tới hẹn trả nợ, Phúc hẹn hết lần này đến lần khác. Sau đó thì không còn liên lạc được với Phúc được nữa. Nhận thấy vợ chồng Phúc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Đào đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ để lấy lại số tiền trên. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm, bà Đào vẫn chưa lấy lại được số tiền trót cho “bạn từ thiện mươn khiến cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần.
Cũng bị đối tượng Phúc lợi dụng, một nạn nhân khác đau xót chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình mình. Bà P. cũng biết Phúc qua nhóm từ thiện, Phúc nhiều lần nhắn tin riêng hỏi mượn người này 1 tỷ và tiếp tục lấy lý do đáo hạn ngân hàng, hứa sẽ trã lãi cao hơn ngân hàng trong thời gian 1 tháng.
Vì muốn giúp đỡ Phúc, tháng 10/2018 gia đình bà P. mang sổ nhà đất đi vay ngân hàng 1 tỷ về đưa cho vợ chồng Phúc. Sau hơn 3 tháng liên tục gọi điện thì Phúc xin thêm thời gian để trả nợ và vay thêm 300 triệu nữa. Sau khi nghe tin Phúc báo vỡ nợ không có khả năng chi trả, chồng bà P. hoảng loạn dẫn đến trầm cảm trong thời gian dài, lúc nào cũng lo nghĩ tới việc ngân hàng tới siết nhà cửa, đất đai của gia đình.
Nạn nhân P. cho biết thêm gia đình nhiều lần đưa chồng bà đi bệnh viện chữa trị trong thời gian dài nhưng bệnh tình càng thêm trầm trọng. Chồng bà do không chịu đựng được áp lực về khoản vay ngân hàng, trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến cái chết và đã tự tử không lâu sau đó.
Giấy vay tiền mà Phúc, Thuận đã viết khi đưa được nhiều nạn nhân “vào chòng” |
Không chỉ dừng lại ở đó, gia đình của ông Bế Thanh Vũ cũng chia ly vì áp lực trả nợ và tin tưởng vào những lời hứa hẹn khi cho Võ Thị Hồng Phúc mượn tiền. Bản thân ông cũng biết Phúc qua nhóm từ thiện, năm 2018 đã cầm cố nhà đất cho Phúc vay với số tiền hơn 1 tỷ. Nhưng cũng giống như những người trong nhóm từ thiện, đến nay vẫn không liên lạc được với Phúc. Đáng tiếc hơn, đầu năm 2021, vợ ông đã ôm 2 đứa con lặng lẽ ra đi mà không nói một lời với ông. “Cũng chỉ vì gia đình lục đục chuyện cho Phúc mượn tiền rồi xù nợ, nên gia đình tôi ly tán” ông Vũ ngậm ngùi nói.
Được biết, để các nạn nhân tin tưởng, Phúc mời các nạn nhân lên văn phòng bất động sản của mình đã chuẩn bị từ trước. Và, mỗi lần gặp nhau Phúc đều thay đổi xe ô tô đi lại và nói là đây là do người ta cầm cho Phúc cùng với nhiều bất động sản khác tại tỉnh Lâm Đồng.
Bà Bùi Thị Thanh Nhàn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) cho biết: “Không chỉ vợ chồng Võ Thị Hồng Phúc và Nguyễn Ngọc Quang lợi dụng lòng tin của những người trong nhóm từ thiện, mà ngay cả bà Lê Thị Thuận người trước đó đã giới thiệu Phúc vào nhóm từ thiện này cũng có hành vi lợi dụng chiếm đoạt tài sản”. Theo đơn thư, vào 3/2018 bà Nhàn có cho bà Thuận vay số tiền là 800 triệu đồng cho đến tháng 7/2019 bà Thuận có hẹn gặp và trả cho nạn nhân 300 triệu tại quán cà phê Góc Phố. Sau khi nhận được tiền, bà Nhàn đã bỏ vào giỏ xách cá nhân của mình và ký nhận vào sổ của đối tượng Thuận. Cùng lúc đó, có một người đàn ông bước vào quán đã giật giỏ xách của nạn nhân, lấy đi số tiền mà Thuận vừa đưa. Bà Nhàn đã nhiều lần cố gắng liên lạc nhưng câu trả lời là không trả.