Lời hứa của Chủ tịch Alibaba với nơi từng sinh sống

(PLVN) - Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Cty CP Địa ốc Alibaba (Cty Alibaba) xảy ra ở TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn làm xôn xao dư luận xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai - nơi gia đình Chủ tịch HĐQT Cty Alibaba Nguyễn Thái Luyện từng sinh sống và đăng ký hộ khẩu thường trú.
Lời hứa của Chủ tịch Alibaba với nơi từng sinh sống

Xác minh ban đầu của CQĐT cho thấy, anh em Nguyễn Thái Luyện đã lập ra Cty Alibaba và các công ty thành viên, tổ chức thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp,  giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam. Tuy chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án nhưng Luyện đã tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho hàng ngàn người và số tiền thu được lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Vậy, anh em Luyện đã sử dụng số tiền lớn đó làm gì, để ở đâu hoặc có cho những cá nhân, tập thể nào ở TP Pleiku? 

2 cây sanh bonsai do anh em “ông trùm” Alibaba tặng cho UBND xã Tân Sơn, TP Pleiku
2 cây sanh bonsai do anh em “ông trùm” Alibaba tặng cho UBND xã Tân Sơn, TP Pleiku

Theo tìm hiểu của phóng viên tại TP Pleiku thì Nguyễn Thái Luyện (SN 1985) và hai em trai là Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc Cty Alibaba) và Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Cty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa ốc Xanh, thành viên của Cty Alibaba đều sinh ra tại thôn Tiên Sơn, xã Chư Jôr, huyện Mang Yang (nay là thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP Pleiku). 

Bố Luyện, ông N.V.H (SN 1965) có quê ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đến TP Pleiku làm ăn từ khi chưa lập gia đình.

Theo chia sẻ của ông Thái Văn Hiếu, Trưởng ban Hội đồng mục vụ Giáo xứ Tiên Sơn, Giáo hạt Pleiku thì khi còn ở Tiên Sơn, gia đình ông H. sinh hoạt tôn giáo tại Nhà thờ Giáo xứ Tiên Sơn và sinh sống chủ yếu bằng nghề nông.

Trước đây, nhà ông H. cũng bình thường như bao gia đình khác ở thôn quê nghèo. Năm 2017, khi đã lớn và đi làm ăn xa về, Nguyễn Thái Luyện có đại diện gia đình đến thăm và đóng góp cho giáo xứ 100 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa nhà học giáo lý, nhà vui chơi giải trí cho giáo dân trong vùng. 

Hiện, căn nhà ngói cũ kỹ, thấp lè tè của gia đình ông H ở đường Đào Duy Từ (thôn Tiên Sơn 1, đối diện Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu) đang cho người khác mượn để ở, làm vườn và bán hàng tạp hóa. 

Bà Trương Thị Thanh Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu cho biết: Từ năm 2000 đến năm 2017, ông H. làm hợp đồng bảo vệ và vợ thì làm hợp đồng tạp vụ trong Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu. Thời đó, các cháu Luyện, Lĩnh và Lực đều học cấp 1, cấp 2 ở trường này. Ngoài việc học tập, các cháu còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ ba má của các cháu hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với nhà trường.

Vào các ngày nghỉ năm 2018, gia đình ông H. còn mượn sân trường để làm nơi cưới vợ cho cháu Lực. Từ trước đến nay, gia đình ông H. chưa tặng nhà trường món gì.

Ngoài việc tặng cho giáo xứ Tiên Sơn 100 triệu đồng; anh em Luyện, Lĩnh và Lực còn tặng cho UBND xã Tân Sơn 2 cây sanh bonsai làm cảnh, tặng cho đại diện 42 hộ dân nghèo ở xã Tân Sơn, mỗi người một cái mũ bảo hiểm, một cái cái áo đi mưa.

Cây sanh bonsai, mũ bảo hiểm và áo đi mưa đều gắn biển (hoặc in) dòng chữ Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba kính tặng. Tổng trị giá của các phần quà trao tặng tại xã Tân Sơn khoảng 20 triệu đồng.

“Thời gian đó là vào tháng 4/2018, sau khi được sự thống nhất của các cơ quan chức năng, anh em  Luyện đã cho xe vận chuyển mũ bảo biểm, áo đi mưa cùng cây sanh vào trụ sở UBND xã và lần lượt trao tặng cho UBND xã cùng bà con. Trong dịp này, anh em Luyện còn hứa vào cuối năm 2019 sẽ chuyển khoản cho UBND xã Tân Sơn 200 triệu đồng để hỗ trợ cho 5 hộ nghèo, mỗi hộ 40 triệu đồng sửa chữa lại nhà dột nát...” - ông Nguyễn Quốc Vinh - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn nhớ lại.

Đọc thêm