Lớn lên trên cánh đồng cà rốt

(PLVN) - Cà rốt có mặt vùng đất bãi sông Thái Bình từ khi tôi còn chưa ra đời. Bố tôi kể, những năm đầu thập niên 80, việc giao thương quốc tế còn rất hạn chế thì cà rốt ở quê tôi đựng trong sọt tre đã được xuất khẩu theo tàu biển ra nước ngoài.
Hiếm có loại nông sản nào mà thị trường tiêu thụ có tới 80% là xuất khẩu như củ cà rốt nơi đây.
Hiếm có loại nông sản nào mà thị trường tiêu thụ có tới 80% là xuất khẩu như củ cà rốt nơi đây.

Khi lớn lên, tôi vẫn thấy mỗi năm từ tháng 6 đến tháng 8 nước lũ ngập băng cả cánh đồng, hoa điền thanh nở vàng rộm, dập dềnh trên mặt nước. Màu hoa, dáng cây ấy khắc sâu trong trí nhớ. Sau này lớn lên, đi làm bắt gặp những mùa điên điển tôi vẫn luôn liên tưởng những đến cây điền thanh bên bờ sông Thái Bình năm xưa.

Tháng 9 mùa tựu trường cũng là mùa nước rút, mẹ tôi chặt điền thanh, cuốc gốc để dành đun cả mùa đông. 

Nước lũ rút đi, để lại lớp phù sa dày nửa lưỡi cuốc. Chính lớp đất màu mỡ đó đã khiến củ rốt ở đây có chất lượng khó nơi nào sánh kịp.

Bọn trẻ chúng tôi người chưa cao bằng cái cán cuốc được bố mẹ đưa ra đồng.

Mỗi đứa được người lớn phát cho một chiếc cốc mắt trâu, trong đó là hạt cà rốt. Nhiệm vụ của chúng tôi thả những hạt cà rốt theo rãnh mà bố mẹ đã kẻ sẵn, sao cho mỗi hạt phải cách nhau cỡ 1 ngang tay trẻ con (khoảng 10cm).

Người lớn làm đất, rắc phân, phủ rơm, phủ trấu…. Trẻ con gieo hạt. Hồi đó còn cày đất bằng trâu, rồi dùng vồ đập nhỏ đến khi hạt đất mịn gần như hạt cát mới đạt yêu cầu. Vì vậy nhà có 3-4 sào, phải gieo nửa tháng mới xong. 

Gieo xong mảnh cuối, mảnh đầu cỏ đã mọc lún phún. Thứ hạt cỏ trôi theo nước lũ giờ gặp đất phù sa lên nhanh như mạ. Những cây cà rốt mới mọc còn mảnh như sợi tóc, một tay phải giữ cây, tay kia khẽ nhấc cỏ lên.

Cà rốt không như các loại cây rau màu khác, củ nó lớn nên từ bộ rễ. Một khi rễ bị bung khỏi đất thì cây đó coi như bỏ.

Mỗi đứa trẻ được cấp 1 chiếc ghế gỗ con con, học buổi sáng, chiều ra đồng làm cỏ. Cỏ màu ưa đất phù sa nên một vụ cà rốt chừng 4 tháng thì người nông dân phải làm cỏ đến 3-4 lần.

Mỗi buổi chiều, trong lúc mẹ gánh nước từ sông Thái Bình lên tưới thì bọn trẻ cặm cụi làm cỏ, suốt mấy tháng trời từ cuối mùa thu đến hết mùa đông.

Củ cà rốt ở đây đặc biệt được thị trường Nhật Bản ưa chuộng. Khoảng những năm 90, người Nhật Bản đã cử chuyên gia sang ăn dầm nằm giề ở bãi đê sông Thái Bình . Họ kiểm tra nguồn nước sông,  xét nghệm vi chất trong đất… mong tìm ra điều gì đã làm nên củ cà rốt đặc biệt như vậy.

Thời điểm đó bố tôi làm chủ nhiệm HTX nên hàng ngày các chú kỹ sư người Nhật đều cùng tôi ra đồng, gieo hạt, nhặt cỏ.

Nghe nói sau này những chuyên gia người Nhật, họ cũng thuê đất ở nhiều bãi bồi của các lưu vực sông khác như sông Hồng, sông Đuống … để gieo trồng thí điểm nhưng không hiểu sao cũng trên triền sông Thái Bình nhưng chỉ cách quê tôi vài km thì chất lượng củ cà rốt đã khác hẳn.

Cũng chính những chuyên gia đó, họ hướng dẫn cho người dân Cẩm Văn trồng cà rốt theo kỹ thuật của Nhật Bản. Thay vì rắc hạt khắp bề mặt luống như các loại rau khác thì nay kẻ rãnh gieo hạt. Nhờ cải tiến này, lúc thu hoạch củ nào củ nấy đỏ au đều tăm tắp không còn củ to, củ nhỏ khoằm khèo như xưa.

Đồng thời họ cung cấp cho người dân các giống cà rốt của Nhật Bản. Tôi nhớ hạt cà rốt Nhật hồi đó đắt đỏ đến nỗi, nó chỉ nhỉnh hơn đầu tăm chút nhưng bắt buộc phải gieo mỗi hạt cách nhau 10cm, nỡ có 1 hạt rơi xuống đất là phải rón nhặt lên.

Suốt bao nhiêu năm cà rốt ở đây đều được xuất sang Nhật Bản. Khoảng 20 năm chở lại đây năm, các thị trường như Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Malaysia, Singapore… được mở rộng. Hiếm có loại nông sản nào mà thị trường tiêu thụ có tới 80% là xuất khẩu như củ cà rốt nơi đây,

Mỗi năm giáp Tết vào vụ thu hoạch, trên đê sông Thải Bình xe container xếp hàng dài cả vài cây số. Những xưởng sơ chế đóng gói cà rốt sáng đèn suốt đêm, từ đầu tháng chạp cho tới hết Thanh minh mới vãn.  Bao năm nay,  những đứa trẻ lớn, đi học vươn được ra ngoài bôn ba khắp xứ cũng đều nhờ những mùa cà rốt.

Năm nay dịch Covid-19 bùng phát, Cẩm Giàng (Hải Dương) là tâm dịch. Cà rốt "tắc đường" xuất khẩu. Nhìn các dì bác bác đứng buồn hiu bên cánh đồng, làm sao nước mắt không  rơi…

Đọc thêm