Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm và Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng, TP.HCM đã dẹp phòng khám tư của mình, lập trang facebook “Hỏi bác sĩ nhi đồng” để tư vấn miễn phí cho người bệnh trẻ em.
Trang facebook được thành lập từ tháng 3/2015 và đã có hàng nghìn câu hỏi được giải đáp, hướng dẫn chữa bệnh cho trẻ em. Hành động này của bác sĩ Khanh được dư luận đánh giá cao và các bà mẹ tin cậy, đồng thời cũng thể hiện một cách cụ thể y đức của một người thầy thuốc.
Một việc có ích cho xã hội, cho cộng đồng đến thế mà có kẻ vẫn không ưa. Địa chỉ facebook của bác sĩ bị phá, ngăn chặn và không hoạt động khiến nhiều người lo lắng. Khi biết có kẻ xấu phá hoại thì nhiều người đã lên tiếng ủng hộ ông, kể cả những biện pháp truy lùng bọn “phây tặc”, động viên và hy vọng bác sĩ tiếp tục làm cái việc có ích cho đời này.
Ảnh minh họa từ Internet |
Nhân câu chuyện về chăm lo và bảo vệ sức khỏe nhân dân thì một chủ trương đúng đắn là xã hội hóa y tế cũng bị... kỳ thị, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế tư nhân. Thủ tục để nâng cấp từ một phòng khám lên bệnh viện rất nhiêu khê, bị hành đến nơi đến chốn, thậm chí phải “khóc lóc” với người có quyền mới xin được giấy phép sau 2 năm chạy đi chạy lại.
Những bệnh viện tư nhân không được cấp đất, cho vay vốn từ ngân hàng đã đành mà hoạt động của họ liên tục bị kiểm tra, thanh tra. Các ý kiến từ hội nghị của Hiệp hội Y tế tư nhân Việt Nam cho thấy cả Bộ Y tế và quy định pháp luật đều “chống lại” y tế tư nhân, trong khi hệ thống y tế công lập được ưu ái thì y tế tư nhân đang bị o ép.
Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Chính ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: “Gỡ rào cản cho y tế tư nhân để giảm tải bệnh viện”. Rõ ràng những rào cản đang dựng lên ngăn cản một sự xã hội hóa có ý nghĩa rất tích cực với cộng đồng.
Từ một việc nhỏ là phá trang facebook của một bác sĩ làm việc thiện đến rào cản y tế tư nhân phục vụ cộng đồng cho thấy văn hóa ứng xử của xã hội ta có vấn đề. Thói ghen ăn tức ở và không chịu được sự tử tế đang lộng hành ở rất nhiều lĩnh vực.
Thái độ ứng xử của từng cá nhân làm nên văn hóa ứng xử của một cộng đồng, ngược lại, văn hóa ứng xử chung tác động trở lại và chi phối thói quen hành xử của cá nhân. Vì thế, khi sự kỳ thị lên ngôi thì tất yếu có nguyên nhân của nó từ môi trường xã hội và sự buông lỏng giáo dục nhân cách làm người./.