Khi lũ quét đi qua
Còn nhớ, một cơn lũ quét bất ngờ vào lúc 1 giờ sáng ngày 12/10/2017 đã đổ ập theo hàng nghìn m3 đất đá, xóa sổ hoàn toàn bảy căn nhà và cướp đi sinh mạng của 18 người, trong đó nhiều người trong một gia đình.
Một khung cảnh bình yên trong thung lũng suối Khanh- vốn là một dòng thác nên thơ nơi nhiều du khách đi qua vẫn dừng chân chụp ảnh- chỉ qua một đêm, nửa quả đồi ập xuống vùi lấp xóm nhỏ, biến nơi này trở nên tang thương. Hàng nghìn mét khối đất đá bao phủ một vùng rộng lớn, vùi lấp toàn bộ khu nhà của những người dân tộc Mường sinh sống đã rất lâu đời ở khu vực thung lũng suối Khanh này.
Thi thể mẹ con chị Đỗ Thị Sinh (37 tuổi) được tìm thấy vào khoảng 10 giờ sáng ngày 15-10, người mẹ trong tư thế ôm chặt đứa con lẫn trong bùn đất. Những hình ảnh ấy, mãi mãi là một nỗi ám ảnh về số phận con người, thật mỏng manh bé nhỏ trước sự nổi giận của thiên nhiên. Cả một xóm khăn tang trắng xóa (Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) sau trận lũ quét.
Người người bỏ công bỏ việc, đi tìm người thân mất tích, đi dọn dẹp nhà cửa, tìm mót từng thứ đồ vật nào còn dùng được…. Trường mầm non, trường tiểu học, các cô giáo nhặt từng cuốn vở, cuốn sách, từng món đồ chơi ngập bùn để tìm cách sửa sang, dùng lại.
Dấu vết trận lũ in hằn trên mảng tường đen kịt màu đất và ô cửa vỡ tan, nham nhở gạch và xi măng. Địa bàn miền núi vốn đã khó khăn, hiểm trở, nay càng hiểm trở và khó khăn hơn sau mỗi trận lũ quét, lũ ống.
Cũng đầu tháng 8/2017, cả bản Kháo Giống, xã Kim Nọi (thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái) khóc thương bốn đứa trẻ bị lũ ống cuốn trên núi. Bốn anh em họ: Giàng A Táng (SN 2007), Giàng A Phai (SN 2010), Giàng A Hứ (SN 2002), Giàng A Lu (SN 2010) đang ngủ ở chòi chăn trâu trên rừng cách nhà gần 5km thì cơn lũ ập về vào rạng sáng 3-8 đã khiến bốn đứa trẻ tội nghiệp không kịp trở tay.
Cũng như vậy, năm 2017 để lại một câu chuyện xót xa về người phóng viên trẻ đã bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp ngay tại hiện trường. Cái tên Đinh Hữu Dư trở thành nỗi đau của đồng nghiệp cả nước khi bỏ dở tất cả mọi sự nghiệp, ước mơ chỉ vì một nhịp cầu bị gãy- cuốn anh xuống dòng sông cuồn cuộn thác lũ trong chớp mắt.
Đó là khoảng 12 giờ ngày 11-10, người phóng viên 29 tuổi của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Yên Bái, tác nghiệp tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái thì bất ngờ mố cầu bị sập.
Khi cầu sập, hình ảnh được ghi lại bởi chính đồng nghiệp của Dư cho thấy vẫn còn chiếc xe máy của Dư dựng bên thành cầu, để lại nỗi ám ảnh xót xa cho người đọc. Thiên tai bão lũ đã trở thành một “mặt trận” tác nghiệp đầy nguy hiểm của nghề báo. Đinh Hữu Dư đã được Thủ tướng truy tặng bằng khen vì dũng cảm hy sinh thân mình trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp đến mùa hè năm 2018, mưa lũ xảy ra làm thiệt hại lớn về người và tài sản ở hai tỉnh Lai Châu, Hà Giang. Đó là bản Là Khuổi, xã Căn Co, huyện Sin Hồ (tỉnh Lai Châu) không bị xóa sổ hoàn toàn như bản Sán Tùng, xã Tà Ngảo nhưng cũng bị thiệt mạng 2 người và 5 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Bản có 60 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đá…
Bắt nguồn từ “nhân tai”?
Theo giới khoa học, nguyên nhân lũ quét luôn không kịp trở tay là do, cùng với sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng... thì nguyên nhân từ phía con người cũng rất lớn. Người ta gọi đó là “nhân tai” để phân biệt với “thiên tai” do thiên nhiên gây ra. Trước hết và căng thẳng nhất chính là nạn phá rừng.
Rất nhiều cánh rừng khu vực miền núi phía Bắc, dọc theo dãy Trường Sơn, khu vực Tây Nguyên và cả những cánh rừng Đông Nam Bộ cũng đã bị đốn hạ. Nạn lâm tặc hoành hành không dứt, cho dù đã có nhiều nỗ lực của chính quyền cũng như người dân nhằm bảo vệ rừng.
Kể cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cũng bị lâm tặc uy hiếp. Những cây to, lâu năm bị đốn hạ, rừng xác xơ khiến lượng nước không giữ được, tạo ra những đợt lũ hung dữ trong mùa mưa.
Cùng đó, việc phát triển thủy điện ở miền núi cũng khiến những cánh rừng bị đốn hạ. Đặc biệt, đối với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, thời gian qua mọc lên nhiều thủy điện lớn nhỏ, diện tích rừng thu hẹp rõ rệt, dẫn đến sự biến đổi khí hậu trong các tiểu vùng địa lý. Trong khi đó, các chủ thủy điện lại không thực hiện nghiêm túc việc trồng mới rừng, càng khiến cho tình hình thêm gay gắt.
Người ta nói rằng, muốn giải bài toán phát triển bền vững, điều đầu tiên và vô cùng quan trọng là phải cân đối sự hài hòa giữa thiên nhiên với con người. Nếu cố tình phá vỡ sự cân bằng ấy, cơn thịnh nộ của thiên nhiên xảy ra sẽ không thể lường trước được.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho thấy: Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi hệ thống thời tiết - khí hậu đặc trưng của vùng núi Đông Bắc, kéo theo những thay đổi phức tạp, đa chiều khác trong hệ thống tự nhiên, gây ra những biến động về tần suất, cường độ và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (bão, dông, lốc, mưa đá…).
Đơn cử, mỗi năm một mùa lũ, đồng bào Tây Bắc không đón chờ nhưng quy luật tự nhiên vẫn tiếp diễn. Họ không trông đợi mà lũ vẫn tràn về. Họ chưa biết cách “sống chung với lũ” như người dân Duyên hải miền Trung. Ít nhiều họ cũng biết, canh chừng trời đất mỗi khi mưa rừng đổ về bất chợt. Song, để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng trong mùa mưa lũ không phải việc dễ làm.
Đặc biệt đối với một số huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo (Điện Biên), Mường Tè, Sìn Hồ, Than Uyên (Lai Châu), (Sốp Khộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai… (Sơn La) có độ dốc cao, sông suối ngắn, đất tơi xốp, mưa nhiều liên kết đất yếu, nguy cơ sạt lở đất đá cao và sản sinh lũ ống. Trước đây, Tây Bắc rừng còn nhiều nên mùa mưa và mùa khô đồng bào không bị chịu nhiều tác động diễn biến cực đoan của thời tiết như hiện nay.
Rừng có vai trò cân bằng hệ sinh thái làm thời tiết ít khắc nghiệt. Cũng chính vì tỷ lệ che phủ rừng của cả Khu vực Tây Bắc còn hơn 40% nên hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cây rừng thân lớn mất đi, mưa lớn kéo dài dẫn đến đất liên kết yếu, đất bị bào mòn rửa trôi, sông suối ngắn, địa hình dốc mới sản sinh lũ ống.
Hiện nay, mùa khô người ở một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La phải đối mặt với hạn hán, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Kết thúc 6 tháng mùa khô, đồng bào Tây Bắc lại hoang mang khi bản tin thời tiết chuyển mùa giông bão.
Trước những hệ lụy diễn biến cực đoan của thời tiết tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến đời sống người dân. Ngoài việc ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng, cần có một ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các địa phương.
Để ứng phó hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu. Các địa phương cần làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt, rừng đầu nguồn, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, trạng thái rừng; rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Ngoài ra, mỗi tỉnh cần lập “ngân hàng” giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng từng địa phương, nhất là những loài quý hiếm và cây bản địa. Tuyên truyền hướng dẫn người dân bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý hiệu quả, các biện pháp trữ nước, điều hòa nước cho mùa khô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện nhiệt độ tăng theo năm. Đặc biệt, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tiết kiệm nước tưới tránh xói mòn và bảo vệ tài nguyên đất.
Công tác quy hoạch quản lý xây dựng giao thông, thủy lợi, trường, trạm, khu dân cư ở các khu vực ven sông suối đều phải tính đến xu thế biến đổi khí hậu của địa phương để tránh rủi do, lãnh phí. Đồng thời, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ, lũ ống, lũ quét ở những vùng có nguy cơ cao.
Ứng phó biến đổi là trách nhiệm của cả cộng đồng, mỗi thành viên tìm ra cách, biện pháp giảm thiểu phòng tránh ứng phó biến đổi khí hậu là bảo vệ những thành tựu, kết quả do mình làm ra góp phần ổn định kinh tế xã hội phát triển bền vững.
Còn nhớ, từ những năm 2000, nhiều trưởng bản già làng vùng cao thường ví, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ gần như chỉ còn trong hoài niệm… Những đại ngàn xanh thẳm giờ như kiểu đầu cạo trọc của nam giới, khi nước đổ xuống sẽ ào nhanh và không còn đọng lại gì…