Không sai khi nói năm 2013 vừa qua là năm có nhiều vụ bạo hành trẻ em nhức nhối nhất. Những thân thể, tinh thần bé bỏng mang đầy thương tích, hoảng loạn dưới bàn tay của người lớn.
Đánh trẻ bầm dập vẫn thoát tội
Ngày 29/8/2013, bà Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, cháu bé Nguyễn Thùy Dương (sinh ngày 14/5/2008) đã được đưa về chăm sóc tạm tại Làng thiếu niên Thủ Đức để bảo vệ bé khỏi bị bạo hành tiếp do cha ruột là Nguyễn Ngọc Thành gây ra. Không ai dám tin rằng một người cha lại có thể đánh con mình dã man như thế.
Tại trụ sở công an, từ lời khai của cháu bé cũng như của nhân chứng và qua làm việc với Thành, công an xác định người cha ruột thường xuyên dùng gậy đánh vào tay, chân, lưng, đầu bé Dương. Công an phường Hiệp Bình Phước đã đưa bé Thùy Dương đến khám thương tích tại bệnh viện quận Thủ Đức. Cháu bé được xác định bầm tím 2 mắt, trầy xước 2 chân, tụ dịch 2 xoang hàm dưới và bị đả thương trên cơ thể với nhiều vết bầm cũ và mới; toàn thân có nhiều vết thương đã lành.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Vụ việc trên đây là một trong những vụ bạo hành trẻ em đã nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cộng đồng, báo chí trong năm 2013, bao gồm: vụ các bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý tại cơ sở mầm non Phương Anh ở quận Thủ Đức, TP.HCM có hành vi tát, đánh vào lưng, bóp cổ, bịt mũi hay dốc đầu trẻ khi cho ăn; vụ cơ quan chức năng P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM tổ chức giải cứu cháu bé Trịnh Nguyễn Thành Đức sinh năm 2010 sau khi phát hiện cháu bị người thân đánh đập tàn nhẫn, ép cháu đi xin ăn...
Điều đáng nói là các vụ này dù có vụ bị khởi tố nhưng là với tội danh khác, còn tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì không, bởi mức tỷ lệ thương tật của nạn nhân chưa đến 11% theo luật định.
Không thể chờ giám định thương tích 11%
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. Theo ông Doãn Mậu Diệp, đối với các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em không thể áp dụng quy định phải giám định tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên mới phạt tù như theo Bộ luật Hình sự hiện nay.
“Trẻ em không có khả năng tránh đòn tự bảo vệ, phản kháng lại khi bị đánh nên không thể áp dụng mức tỷ lệ thương tật 11%. Chưa kể những hành vi bạo hành, xâm hại đối với trẻ em có thể không để lại thương tích nhưng lại có những sang chấn tinh thần dẫn tới những hậu quả về sau mà không thể đo đếm cụ thể được” - ông Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Đỗ Thị Ngọc Phương - Phó Viện trưởng Viện Dân số, gia đình và trẻ em cho rằng, trẻ em không thể tự vệ khi bị bạo hành và các dấu hiệu bị bạo hành cũng khó nhận biết được ở trẻ em, nhất là những sang chấn về tinh thần, nên cần quy định cụ thể hơn về các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em chứ không nên dựa trên tỷ lệ thương tích. Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đang được sửa đổi, bổ sung. Để thay đổi những khiếm khuyết hiện nay trong luật định thì những quy định cụ thể về các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em về thể xác và tinh thần phải được nêu rõ để có thể nghiêm trị những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức.
Ở Việt Nam vẫn tồn tại tâm lý con cái được coi là “của cải” của cha mẹ, là chỗ dựa khi về già, vì vậy cha mẹ thường đặt nhiều kỳ vọng vào con cái và sẵn sàng áp dụng nhiều biện pháp, áp đặt quyền lực “trên - dưới” để đạt được điều đó. Vì vậy, bạo hành trẻ em thường đến từ chính cha mẹ trẻ. Trong khi bạo lực đối với trẻ em gia tăng thì hiện nay lại chưa có một cơ quan nào của Chính phủ chuyên tiếp nhận và xử lý những thông tin phản ánh về những vụ bạo hành.
Sở dĩ có vấn đề này, theo phân tích của bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, vì Việt Nam chưa quy định bắt buộc về việc thông báo về xâm hại trẻ em. Trong khi tại nhiều quốc gia đã có quy định gia đình, giáo viên, cán bộ y tế, công an là những người bắt buộc phải thông báo về bạo hành, xâm hại trẻ em.