Marie Curie và mối tình tai tiếng với học trò của chồng

(PLVN) - Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên được trao giải Nobel, cũng là người duy nhất được trao giải thưởng này ở hai lĩnh vực khác nhau. Tin vui thứ hai nói trên đến khi bà đang trải qua giông tố do cuộc tình lầm lỡ với người đàn ông kém 5 tuổi. 
Nhà khoa học thiên tài Marie Curie là một phụ nữ lịch lãm và rất xinh đẹp
Nhà khoa học thiên tài Marie Curie là một phụ nữ lịch lãm và rất xinh đẹp

Từ nữ sinh ham học đến nhà bác học thiên tài

Marie Curie có tên khai sinh là Maria Sklodowska, bà sinh năm 1867 trong một gia đình có cha mẹ đều là giáo viên. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã thể hiện là một đứa trẻ thông minh nổi trội. Năm Marie lên 10, mẹ bà đột ngột qua đời do bệnh lao. Dù chỉ là một giáo viên, lại phải chịu cảnh gà trống nuôi con nhưng cha của Marie vẫn cho các con ăn học đầy đủ. Trong suốt những năm trung học, Marie luôn đứng đầu lớp. Tuy nhiên, bà lại không thể vào trường Đại học Warsaw bởi trường đại học lúc bấy

giờ vốn chỉ dành cho nam giới. Để theo đuổi đam mê nghiên cứu, Marie và người chị gái tên Bronya buộc phải theo học tại những lớp học được tổ chức một cách bí mật. Cả hai chị em đều ấp ủ ước mơ được ra nước ngoài để có thể nhận tấm bằng chính thức nhưng bất lực vì không có tiền. Không nản chí, hai chị em sau khi bàn bạc đã thông nhất rằng Marie sẽ ở nhà làm việc để Bronya ra nước ngoài học rồi sau đó đến lượt Bronya về nước kiếm tiền để Marie hoàn thành việc học.

Bà Marie Curie và chồng
Bà Marie Curie và chồng 

Theo đúng thỏa thuận này, trong suốt 5 năm, Marie vừa làm giúp việc, vừa làm gia sư để kiếm tiền gửi cho chị ăn học. Thời gian rảnh, bà lại miệt mài nghiên cứu vật lý, hóa học và toán học. Năm 1891, Marie cuối cùng cũng được đến Paris. Tại đây, bà ghi danh vào trường Sorbonne và bắt đầu vùi đầu vào việc học hành. Dù được chị gái chu cấp nhưng số tiền đó quá ít so với chi phí ở thành phố Paris hoa lệ. Cũng vì thiếu ăn nên bà thường xuyên bị ngất, cơ thể gầy gò. Song, Marie vẫn lấy được bằng thạc sĩ vật lý vào năm 1893 và nhận thêm một bằng thạc sĩ môn toán học vào năm sau đó.

Năm 1895, Marie được giao thực hiện nghiên cứu về các loại thép và từ tính của chúng nên cần một phòng thí nghiệm để làm việc. Thông qua một đồng nghiệp, bà được giới thiệu cho nhà vật lý người Pháp là Pierre Curie. Ngay sau khi gặp mặt, hai người đã nhanh chóng nảy sinh tình cảm và trở thành một bộ đôi hoàn hảo, nhất là trong lĩnh vực khoa học. Đến giữa năm 1895, hai người đã kết hôn.

Ban đầu, Marie và Pierre nghiên cứu các dự án khác nhau nhưng sau khi Marie phát hiện hiện tượng phóng xạ, hai vợ chồng bắt đầu cùng nhau nghiên cứu về lĩnh vực mới mẻ này. Từ quặng uranit, vào năm 1898, hai vợ chồng đã phát hiện một nguyên tố phóng xạ mới. Họ đặt tên cho nguyên tố này là polonium, tức tên quê hương Ba Lan của bà Marie. Ngoài ra, họ cũng phát hiện một chất phóng xạ khác trong quặng uranit và gọi là radium. Năm 1902, vợ chồng nhà Curie thông báo họ đã sản xuất được một decigram radium nguyên chất, chứng tỏ sự tồn tại của nguyên tố hóa học này. 

Bà Marie Curie trở thành góa phụ khi mới 38 tuổi
Bà Marie Curie trở thành góa phụ khi mới 38 tuổi

Một năm sau đó, họ vinh dự được nhận giải thưởng Nobel về vật lý chung với nhà vật lý học Henri Becquerel nhờ nghiên cứu về hiện tượng phóng xạ. Với giải thưởng này, Marie Curie trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên được trao giải Nobel.

Trong vài năm sau đó, hai vợ chồng đã dùng tiền thưởng để tiếp tục công việc nghiên cứu. Thế nhưng, tai họa ập xuống với Marie vào năm 1906, khi ông Pierre đột ngột qua đời do bị xe ngựa của quân đội lao vào. Năm đó, bà Marie vừa bước sang tuổi 38. Mất đi người bạn đời, cũng là người đồng hành trong các công trình nghiên cứu, Marie đã suy sụp trong một thời gian dài. Về sau, bà gắng gượng trở lại và tiếp quản công việc giảng dạy của chồng ở trường đại học Sorbonne, trở thành nữ giáo sư đầu tiên của trường.

Mối tình thị phi với học trò của người chồng quá cố

Năm 1911, Marie tiếp tục ghi danh vào lịch sử khi trở thành nhà khoa học đầu tiên giành hai giải thưởng Nobel. Lần này, bà được trao giải thưởng trong lĩnh vực hóa học với phát hiện radium và polonium. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà Marie đang ngập đầu trong những rắc rối do cuộc tình với một nhà khoa học trẻ hơn 5 tuổi tên Paul Langevin - vốn là một học trò của ông Pierre, cũng là một nhà khoa học giỏi giang, lại đẹp trai, nam tính.

Nhưng thật trớ trêu, Langevin là người đã có vợ và 4 con. Biết rõ vấp phải mối tình này sẽ là éo le, thị phi nhưng không ngăn nổi trái tim Marie Curie rạo rực yêu đương và khát khao hạnh phúc. Theo các nguồn tin, bà Marie và Langevin thậm chí đã thuê nhà ở gần trường Sorbonne để bí mật gặp gỡ. Chỉ 3 ngày trước khi Marie được công bố là chủ nhân của giải Nobel thứ 2, vợ của Langevin phát hiện những bức thư tình mà bà Marie đã viết cho chồng mình. Dù cuộc hôn nhân với chồng không hạnh phúc và trước đó Langevin cũng từng qua lại với một số người đàn bà khác nhưng vợ của ông ta vẫn cay cú gửi những bức thư tình của bà Marie cho một tờ báo ở Pháp.

Thông tin về vụ ngoại tình của nhà khoa học nữ nổi tiếng như một quả bom tấn, ngay khi được công bố đã khiến cả nước Pháp rúng động. Dù thực tế là cuộc hôn nhân của Langevin không hạnh phúc và ông ta đã ly thân với vợ nhưng người ta vẫn thi nhau chỉ trích Marie là người phụ nữ lăng loàn, mang dã tâm cướp chồng người khác khi trong những bức thư bà nhiều lần thúc giục người tình ly hôn với vợ để cưới bà...

Giữa những lùm xùm như vậy, Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển đã tìm cách thuyết phục Marie không đến Stockholm nhận giải thưởng Nobel vì cho rằng những người ngoại tình không xứng đáng bắt tay Nhà vua Thụy Điển(?). Song, trong bức thư gửi Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển, Marie khẳng định giải thưởng được trao nhằm tôn vinh việc phát hiện radium và polonium.

“Tôi nhận thấy không có bất cứ mối liên hệ nào giữa việc nghiên cứu khoa học với đời tư của mình. Tôi không thể chấp nhận được việc đánh giá giá trị của công trình khoa học bị ảnh hưởng bởi những lời phỉ báng và vu khống liên quan đến đời tư”, bà khẳng định. Cuối cùng, được sự động viên của những nhà khoa học và nhiều người khác, bà vẫn tới nhận giải Nobel.

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, bà Marie dành toàn bộ thời gian và các nguồn lực để nghiên cứu về việc ứng dụng tia X vào chăm sóc sức khỏe, nhất là trong việc điều trị những tổn thương ở xương và điều trị ung thư. Bà đã lấy radium tinh chế được để chia cho các phòng X-quang và bán huy chương Nobel để lấy tiền hỗ trợ mở hơn 200 phòng chụp X-quang di động, giúp cứu sống nhiều binh sỹ bị thương. Phải đến lúc này, những chỉ trích nhằm vào bà mới lắng xuống.

Ngày 4/7/1934, bà Marie Curie qua đời do bị thiếu máu và ung thư máu, được cho là do bà đã tiếp xúc kéo dài với phóng xạ. Năm 1995, hài cốt của Marie và Pierre Curie được mai táng trong khu nghĩa trang Panthéon ở Paris. Đây là nơi an nghỉ của những nhân vật vĩ đại nhất của Pháp và bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được mai táng ở đây.

Với những thành tích xuất sắc trong suốt cuộc đời mình, Marie Curie trở thành nhà khoa học nữ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Bà đã được nhận vô số giải thưởng danh giá. Ngày nay, tên bà được dùng để đặt cho nhiều cơ sở nghiên cứu và giáo dục cũng như các trung tâm y tế trên khắp thế giới.

Đọc thêm