Mất nơi ở vì sạt lở đất, người dân giờ lại “gánh” thêm nỗi lo tái định cư

(PLVN) - Sau nỗi buồn mất nơi ở vì sạt lở đất, hàng trăm người dân tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đến nay phải sinh sống tạm trong các căn nhà lá trên đất của người quen cùng nỗi lo về kinh phí xây dựng nhà mới, chờ tái định cư.  
Sau khi mất nơi ở vì sạt lở, hàng chục hộ dân phải sống tạm trong các căn nhà lá hoặc ở nhờ nhà người thân chờ tái định cư.
Sau khi mất nơi ở vì sạt lở, hàng chục hộ dân phải sống tạm trong các căn nhà lá hoặc ở nhờ nhà người thân chờ tái định cư.

Đằng sau nỗi buồn sạt lở là nỗi lo

Sau khi mất nhà ở do sạt lở, gần hai tháng nay, gia đình 4 người chị Hoàng Thị Hà (trú tại thôn 2, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa) cùng nhiều hộ dân khác hiện vẫn đang phải sống tạm trong các căn nhà lá được dựng tạm trên đất của người quen chờ tái định cư. Cũng như gia đình chị Hà, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) còn đe dọa đời sống của 71 hộ dân, trong đó 41 hộ đã phải di dời khẩn cấp.

Tại xã Thạch Hóa, tình trạng sạt lở vùi lấp nhà cửa khiến 22 hộ với 91 nhân khẩu đã phải di dời khẩn cấp. Trước khi tìm kiếm được nơi ở mới, những người này phải sinh sống tạm trong các căn nhà lá được dựng tạm trên đất hàng xóm hoặc ở nhờ nhà của người thân, bạn bè với nhiều khó khăn thiếu thốn.

Khu vực sạt lở tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa
Khu vực sạt lở tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa 

Trong căn nhà lá được dựng tạm trên đất của người hàng xóm với diện tích chưa đầy 20m2, chị Hoàng Thị Hà tâm sự: “Tích góp được bao năm, vợ chồng chúng tôi mới xây được một căn nhà nhưng mưa lũ sạt lở cũng cướp mất. Tôi ở đây cũng 20 năm rồi mà đây là lần đầu tiên có sạt lở, ngôi nhà mới làm còn chưa kịp trả xong nợ đã bị đổ sập phải ra đây trú tạm. Giờ xã có cấp cho đất mới thì gia đình thực sự cũng không có tiền mà làm nhà”.

Phía sau nỗi buồn mất nhà ở, các hộ dân vùng sạt lở lại phải gánh thêm nỗi lo chưa biết bao giờ mới được tái định cư, có nơi ở mới bởi chi phí xây dựng lại nhà cửa quá lớn, ít gia đình có thể đáp ứng.

“Cũng chưa biết phải sống tạm như thế này đến bao giờ nữa, thấy xã bảo sẽ sớm xây dựng tái định cư cho các hộ dân nhưng chúng tôi cũng chưa biết đến bao giờ và sẽ được hỗ trợ như thế nào, không có tiền làm nhà mới thì cũng chỉ ở lán như thế này thôi”, chị Nguyễn Thị Lan (trú tạm tại thôn 5, xã Thạch Hóa) cho hay. 

Không có tiền xây nhà mới, cuộc sống ổn định đối với chị Nguyễn Thị Lan bây giờ chẳng khác gì một điều ước xa xỉ.
 Không có tiền xây nhà mới, cuộc sống ổn định đối với chị Nguyễn Thị Lan bây giờ chẳng khác gì một điều ước xa xỉ.

Liên quan về vấn đề này, trao đổi với PV Báo PLVN, ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết, khu vực sạt lở hiện nay rất nguy hiểm và không thể tiếp tục cho người dân quay trở lại, do vậy xã này đã lên kế hoạch cũng như trình các cấp, ban, ngành xem xét để di dời tái định cư các hộ dân nằm trong vùng sạt lở. Hiện xã Thạch Hóa cũng đã có đất để người dân tái định cư, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân làm lại nhà cửa.

“Hướng về lâu về dài đề xuất các cấp chính quyền sớm xây dựng phương án di dời. Địa phương cũng đã chuẩn bị quỹ đất, mong cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để xây dựng khu tái định cư cũng như hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân để họ sớm ổn định cuộc sống”, ông Cao Xuân Bình nói.

Cần tháo gỡ khó khăn trong tái định cư

Không chỉ xã Thạch Hóa, hiện nay tại xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa) cũng có 27 hộ dân ở thôn Đồng Lâm phải di dời do sạt lở núi. Để bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân, chính quyền các địa phương trong vùng đang lên kế hoạch tái định cư. Tuy nhiên, phương án di dời và bố trí tái định cư cho người dân gặp nhiều khó khăn về kinh phí và địa điểm. Hiện xã này cũng chưa có vùng đất quy hoạch cho bà con tái định cư.

Chính quyền địa phương các xã có hộ dân phải di dời do sạt lở đang tìm mọi cách hỗ trợ giúp người dân tái định cư.
 Chính quyền địa phương các xã có hộ dân phải di dời do sạt lở đang tìm mọi cách hỗ trợ giúp người dân tái định cư. 

Tại xã Thuận Hóa, theo chính quyền địa phương, tình hình sạt lở đe dọa cũng khiến 16 hộ dân trên địa bàn xã cần được di dời, tái định cư. Tuy nhiên quỹ đất ở tại địa phương không còn nhiều, địa điểm UBND xã Thuận Hóa chọn để người dân di dời đến đều đã được cấp đất rừng trồng lâu năm cho người dân nên không đủ kinh phí đền bù.

Về vấn đề này, trao đổi với PV ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: “Khó nhất hiện nay là kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực tái định cư và hỗ trợ người dân làm lại nhà cửa ở khu vực mới do ngân sách huyện không thể đáp ứng.  Về phía huyện cũng đã thực hiện những công việc thẩm quyền và cũng mong các cấp cố gắng hỗ trợ nguồn kinh phí giúp cho huyện sớm thực hiện các khu tái định cư để người dân đảm bảo an toàn tính mạng, sớm ổn định cuộc sống.”

Trước những khó khăn về việc tái định cư cho các hộ dân phải di dời tại các khu vực sạt lở còn gặp phải, thiết nghĩ các cấp, ban ngành có thẩm quyền cần sớm vào cuộc tháo gỡ, sớm di dời và ổn định cuộc sống cho người, giúp bà con sớm “an cư, lạc nghiệp”.

Đọc thêm