Mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Cần “kích cầu” từ chính sách

(PLVN) - 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc tăng mới 100.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bằng gần 1/3 số người vận động được trong 10 năm qua. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn thấp so với tổng số người thuộc diện tham gia, do đó cần có những “đột phá” hơn nữa trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện để tăng diện bao phủ.
Hội nghị tuyên truyền BHXH tự nguyện trực tiếp tại thôn, bản đã và đang phát huy tác dụng tích cực

Vai trò “bà đỡ” của Nhà nước

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, năm 2008, cả nước có 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2018, con số này tăng lên 320.000 người và tính đến tháng 6/2019 là 420.000 người, tăng rất nhanh so với những năm trước đó. Một trong những nguyên nhân là từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ số tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia gồm: 30% với người nghèo, dân tộc thiểu số, 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác.

Tuy nhiên, theo ông Liệu, mức hỗ trợ 10% là chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Khác với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. 

Sau khi đi giám sát ở nhiều địa phương, ông Bùi Sỹ Lợi  - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – cũng khẳng định: Đúng là BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn đối với người dân. Người dân vẫn so sánh BHXH bắt buộc có 5 chế độ (3 chế độ ngắn hạn và 2 chế độ dài hạn) nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Trong đó, nhiều người không hiểu hết là để được hưởng 5 chế độ thì NLĐ đã đóng cả 5 chế độ, còn việc BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là do người dân chỉ đóng 2 chế độ (đóng 22%).

“Khi thiết kế Luật BHXH, tôi không nghĩ Chính phủ chỉ hỗ trợ 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho các hộ khác. Tôi đã đề nghị mở rộng BHXH tự nguyện phải đẩy nhanh thông qua “kích cầu” của Nhà nước. Đầu tiên hỗ trợ cao để mở rộng diện tham gia, sau đó mới thu hẹp dần mức hỗ trợ. Chúng ta chi trước hỗ trợ cho người dân thì sau này khi người dân đến tuổi 80, Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ mức 270.000 đồng/tháng như hiện nay” – ông Lợi nhấn mạnh.

Theo đó, ông Lợi kiến nghị, cần hỗ trợ 50-50, song với hộ cận nghèo và hộ nghèo thì cần hỗ trợ tăng thêm nữa để thời gian đầu phát triển diện rộng, sau đó từ từ điều chỉnh tỉ lệ này thì mới đạt mục tiêu. “Chúng ta lấy bài học từ chính sách BHYT, ban đầu hỗ trợ như vậy rất ít người tham gia, sau đó “nới lỏng” nên đã thu hút được đông đảo người dân. Với chính sách BHXH tự nguyện, chúng ta cũng nên thực hiện theo phương án của BHYT” – ông Lợi gợi ý.

Đổi mới hình thức tuyên truyền

Không chỉ thiết kế lại chính sách, tăng mức hỗ trợ, theo các chuyên gia, khâu tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cũng cần có những đổi mới.

Ông Trần Đình Liệu cho biết, thời gian qua, việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện mới thực hiện ở chiều rộng chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, gần đây, ngành BHXH đã đổi mới, tổ chức những hội nghị nhỏ tư vấn, tuyên truyền trực tiếp về BHXH tự nguyện tại các thôn, bản để gặp gỡ, trao đổi với người dân. Hình thức này đã và đang mang lại kết quả rất tích cực. Có hội nghị mời được 100 người dân thì có đến 60 người đăng ký tham gia.

Nhận định lợi ích to lớn của các hình thức tuyên truyền phù hợp, các ngành BHXH và LĐ-TB&XH đang xây dựng đề án tuyên truyền theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW hướng tới BHXH toàn dân. Trong đó, hai ngành sẽ nghiên cứu, đưa ra những giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức phù hợp, thân thiện hơn với từng người dân, hướng tới truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng điện thoại, tin nhắn…

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cần nghiên cứu đổi mới để truyền tải những nội dung của chính sách đơn giản, hấp dẫn, trọng tâm hơn. Ông Lợi minh họa: “Chúng ta phải nói được rằng: Nếu người dân đóng 22% trên mức 700.000 đồng của chuẩn hộ nghèo hằng tháng thì trong vòng 20 năm khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì nhận lương hưu mỗi tháng được 400.000 đồng lớn hơn rất nhiều số tiền đóng hằng tháng 154.000 đồng, cũng lớn hơn số tiền trợ cấp của Nhà nước 270.000 đồng/tháng cho người từ 80 tuổi. Mà số tiền này, người dân được hưởng ngay từ năm 55, 60 tuổi, không phải đợi đến 80 tuổi để nhận trợ cấp xã hội. Số tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng lên theo chính sách tiền lương của Nhà nước. Từ đó để thấy chính sách BHXH tự nguyện mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia”.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng kiến nghị: Phải cải cách, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH tự nguyện để việc đóng, hưởng nhanh chóng, thuận lợi cho mọi người dân với nền tảng ứng dụng CNTT, không giới hạn về thời gian, không gian tham gia, giải quyết chế độ chính sách… Đồng thời, việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cũng cần sự phối hợp, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể để đạt kết quả tốt nhất.

Đọc thêm