Mở rộng diện được trợ giúp pháp lý

(PLO) - Việc sửa đổi và mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) là yêu cầu cần thiết xuất phát từ thực tiễn. Có điều cần phải gắn với bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay và phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, dự kiến cân nhắc bổ sung người thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV không nơi nương tựa, có tính đến hình thức, lĩnh vực thụ hưởng.
Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động ở Quảng Ninh.
Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động ở Quảng Ninh.

Nhiều đề nghị mở rộng đối tượng

Điều 10 Luật TGPL 2006 quy định người được TGPL bao gồm: người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, quy định về người được TGPL trong Luật TGPL 2006 chưa bao quát hết những người cần được TGPL theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Ngoài ra, diện người được TGPL theo Luật TGPL 2006 chưa tương thích với các đối tượng được quy định trong các luật có liên quan ban hành về sau. Do vậy, cũng cần đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, điều chỉnh, pháp điển hóa để bảo đảm triển khai thống nhất. Xuất phát từ mục tiêu bảo đảm người được TGPL là những người không có khả năng thuê luật sư và những người đã được quy định tại Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính tương thích của hệ thống văn bản pháp luật, dự án Luật TGPL (sửa đổi) dự kiến bổ sung một số đối tượng được TGPL như người thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV không nơi nương tựa. 

Có chuyên gia còn kiến nghị bảo đảm quyền được TGPL của nhóm người lao động nhập cư. Vị chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần có những sự điều chỉnh về hệ thống pháp luật và chính sách nói chung cũng như về cơ chế bảo đảm và thực thi pháp luật về TGPL nói riêng để trao quyền được TGPL cho người lao động nhập cư. Một trong những biện pháp bảo đảm là hệ thống công đoàn địa phương cần có sự quan tâm đối với nhóm đối tượng lao động nhập cư và tham gia cùng với các cơ quan, tổ chức cung cấp TGPL khác của Nhà nước và xã hội, giúp họ tiếp cận được với công lý và TGPL khi xảy ra những tranh chấp lao động hay những vi phạm quyền, lợi ích của người lao động từ giới chủ sử dụng lao động. 

Bảo đảm tính khả thi, khả năng cân đối ngân sách

Mặc dù hướng sửa đổi mở rộng người thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV không nơi nương tựa có làm tăng kinh phí cho ngân sách nhà nước song sau khi cân nhắc, đánh giá lợi ích – chi phí, vẫn có thể thấy điều đó mang đến nhiều lợi ích hơn cho người được TGPL. Phương án này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong bảo đảm quyền được TGPL của công dân, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội, chi phí tuy tăng nhưng ít. 

Hiện nay, ngân sách nhà nước cho công tác TGPL trung bình 01 năm là 139 tỷ đồng, chiếm 0,0033% GDP cả nước. Đây là con số còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vai trò, tầm quan trọng để thực hiện nguyên tắc tranh tụng, quyền bào chữa được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Trong khi đó, qua kinh nghiệm TGPL một số nước, các nước đều quan tâm bố trí ngân sách nhà nước cho công tác TGPL. Chẳng hạn, Ba Lan chiếm 0,0061% GDP (năm 2011), Philippines chiếm 0,021% (năm 2014), Nhật Bản chiếm 0,01% GDP (năm 2012), Hàn Quốc chiếm 0,06% GDP (năm 2013).

Hơn nữa, dự luật cũng sẽ giới hạn lĩnh vực và hình thức được thụ hưởng tương ứng với từng đối tượng đặc thù nhằm bảo đảm tính khả thi, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Cụ thể, người thuộc hộ nghèo; người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em không nơi nương tựa được TGPL trong tất cả các lĩnh vực pháp luật, trừ kinh doanh, thương mại, theo các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải và tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại. Trẻ em bị buộc tội được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mà họ bị buộc tội. Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mà họ là nạn nhân. Các đối tượng được mở rộng so với Luật TGPL 2006 là người thuộc hộ cận nghèo; người nhiễm HIV không nơi nương tựa được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mà họ bị buộc tội.

Đọc thêm