Mở tạm đường dẫn hầm Hải Vân 2, 'giải cứu' tai nạn giao thông

(PLVN) -  Ban quản lý dự án (QLDA) hầm Hải Vân đã cho mở tạm thời thông xe một chiều trên tuyến đường dẫn mới của hầm Hải Vân 2 (dự án chưa đưa vào vận hành khai thác) để cho xe của các lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường vụ tai nạn và giải phóng lượng xe ùn tắc tại hai đầu hầm và trong hầm Hải Vân 1.
Tuyến đường dẫn mới của hầm Hải Vân (dự án chưa đưa vào vận hành khai thác)
Tuyến đường dẫn mới của hầm Hải Vân (dự án chưa đưa vào vận hành khai thác)

Khoảng 0h30 hôm nay, 15/10, tại đường dẫn phía Nam vào hầm Hải Vân đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách và xe đầu kéo container làm 2 người tử vong tại chỗ và 20 người bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành hầm Hải Vân (đơn vị quản lý vân hành - QLVH hầm Hải Vân) cho biết, qua hệ thống camera quan sát trên đường dẫn hầm Hải Vân 2, trung tâm điều hành phát hiện sự việc. Đơn vị QLVH hầm Hải Vân đã triển khai ngay bộ phận cứu hộ cứu nạn tiếp cận hiện trường, cho xe cứu thương của đơn vị QLVH chở những người bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Liên Chiểu, bệnh viện Giao thông vận tải Đà Nẵng, bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.

Khi xảy ra vụ tai nạn, Ban quản lý dự án đã cho mở tạm thời thông xe một chiều trên tuyến đường dẫn mới của hầm Hải Vân
 Khi xảy ra vụ tai nạn, Ban quản lý dự án đã cho mở tạm thời thông xe một chiều trên tuyến đường dẫn mới của hầm Hải Vân 

Nhận được tin báo, các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng và Công an thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) đã đến hiện trường phối hợp tìm hiểu nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn và điều tiết giao thông.

Đến 5h48 cùng ngày, hiện trường vụ tại nạn được giải phóng và cho thông xe qua hầm trở lại theo tuyến đường hầm Hải Vân 1 và đóng tuyến đường dẫn hầm Hải Vân 2.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn trên là do xe khách vượt xe cùng chiều, lấn sang làn đường ngược chiều rồi gây tai nạn.

Hiện trường vụ tại nạn trên đường dẫn phía Nam vào hầm Hải Vân
 Hiện trường vụ tại nạn trên đường dẫn phía Nam vào hầm Hải Vân

Đây không phải là lần đầu, các công trình hầm thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả chủ động và tham gia phối hợp xử lý nhanh để “giải cứu” các trường hợp khẩn cấp. Trước đó, vào sáng ngày 16/12/2016, mưa lớn đã làm hàng trăm khối đất đá đổ xuống Đèo Cả khiến giao thông tê liệt nhiều giờ liền, hàng nghìn phương tiện giao thông ùn ứ nhiều giờ đồng hồ.

Ngay khi có sự cố sạt lở gây ách tắc giao thông; chủ đầu tư dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả đã mở cửa hầm, phối hợp cùng lực lượng CSGT để phân luồng, điều tiết phương tiện lưu thông qua hầm đèo Cổ Mã. Thời điểm đó, hầm Đèo Cả đang thi công nên Chủ đầu tư đã tạm dừng thi công trong hầm để tham gia điều tiết giao thông. Đồng thời báo cáo Bộ GTVT về phương án xử lý các tình huống khẩn cấp khi xảy ra ách tắc giao thông trên đèo Cả.

Theo PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng: “Do dự báo lưu lượng xe qua hầm là rất thấp nên giai đoạn 1, hầm Hải Vân được thiết kế cho phép lưu thông hai chiều trong một ống hầm.

Sự phát triển của đất nước, kinh tế tăng trưởng cũng làm gia tăng với tốc độ cực nhanh vượt qua thời gian dự báo điểm mãn tải hầm Hải Vân 1 sau năm 2025 đã đặt ra nhu cầu cấp bách cần hoàn thành ống hầm thứ hai. Để giảm thiểu tối đa những yếu tố gây tại nạn, để tránh ách tắc giao thông, để an toàn hơn, tiết kiệm thời gian lưu thông qua hầm thì khi ống hầm thứ 2 đi vào vận hành sẽ giải quyết được những vấn đề đó”.

Bộ GTVT cũng đã đánh giá việc triển khai giai đoạn 2 của dự án sẽ góp phần đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân trong thời gian tới.

Đọc thêm