Mộc miên “thắp lửa” bên mái chùa cổ kính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày này, miếu – chùa Trung Hành (TP Hải Phòng) hàng trăm năm tuổi với bao thăng trầm của lịch sử, bỗng vừa trầm mặc, vừa lộng lẫy bên  những cây mộc miên (hoa gạo), vượt qua cái lạnh giá của mùa đông, của thời gian để "thắp lửa" đỏ rực tháng Ba…
Mộc miên rất đỗi đời thường, mộc mạc nhưng cũng rất uy nghi, sừng sững.
Mộc miên rất đỗi đời thường, mộc mạc nhưng cũng rất uy nghi, sừng sững. 

Sắc mộc miên đỏ giữa chốn cổ tự

Miếu - chùa Trung Hành là một địa điểm tâm linh nổi tiếng có niên đại hơn 400 năm, tọa lạc tại phường Đằng Lâm, quận Hải An (Hải Phòng); nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa đình - miếu - chùa Trung Hành được Bộ Văn hóa xếp dạng di tích cấp quốc gia năm 1993.

Theo các ghi chép lịch sử, làng Trung Hành xưa kia là vùng đất được Ngô Quyền đóng quân. Đây là nơi chủ yếu huy động sức người, sức của nhằm đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước ta. Làng Trung Hành là một trong số 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của Ngô Quyền. Bởi vậy, Trung Hành được các triều đại kế tiếp phong sắc và công nhận việc thờ tự Ngô Vương.

Đặc biệt, Trung Hành vốn nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều người đỗ đạt, nhiều văn quan, võ tướng có tài, hiện còn được ghi lại trên văn bia, gia phả các dòng họ. Ngạn ngữ có câu: “An Dương - Trung Hành, Kim Thành - Quỳnh Khê, thế ngôn chi đa sĩ”, mang ý nghĩa là: Làng Trung Hành, huyện An Dương, làng Quỳnh Khê, huyện Kim Thành đời truyền có nhiều người đỗ đạt, làm quan.

Không những thế, ngôi miếu cổ Trung Hành được dựng lên bằng những vật liệu truyền thống như gỗ, đá, ngói, gạch Bát Tràng,… từ chính đôi tay khéo léo của các nghệ nhân làng xã. Được công nhận là nơi thờ Ngô Vương Quyền, miếu Trung Hành còn lưu giữ được 5 bản sắc phong có niên đại từ 1889 đến 1924 (trong đó có 3 sắc phong cổ) và nhiều cổ vật quý khác có niên đại vào thế kỷ 19.

Cạnh đó là chùa Trung Hành (Hưng Khánh Tự) được khởi dựng từ khoảng thời Lý - Trần, nay vẫn giữ được các công trình kiến trúc truyền thống và quy hoạch không gian của một ngôi chùa làng thời Mạc ở Hải Phòng. Nơi đây cũng đang bảo lưu nhiều pho tượng Phật quý bằng gỗ, mang đậm phong cách dân gian với các đồ án trang trí nghệ thuật được thờ tại toà phật điện; đặc biệt là pho tượng vị Hoàng đế nhà Mạc. 

Tranh thủ mỗi dịp cuối tuần, nhiều chị em phụ nữ diện áo dài đến chùa, “khoe sắc” cùng hoa mộc miên.
Tranh thủ mỗi dịp cuối tuần, nhiều chị em phụ nữ diện áo dài đến chùa, “khoe sắc” cùng hoa mộc miên. 

Mộc miên thường xuất hiện ở đầu làng hay các di tích văn hóa, miền núi trung du và vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nở rộ vào cuối xuân – đầu hạ, hoa mộc miên báo hiệu một khởi đầu mới, khi những đợt lạnh thưa dần nhường chỗ cho những ngày nắng ấm, chuẩn bị cho một vụ mùa màng bội thu. Tựa như một bức tranh, ngay tại khu vực cổng tam quan chùa Trung Hành có hai cây mộc miên cổ thụ trăm năm tuổi, vươn cao trên mái chùa cổ kính, phía trước chùa còn có nhiều cây khác nhỏ hơn.

Hoa mộc miên thường kéo dài sang trung tuần tháng 4 thì hết. Sắc đỏ của mộc miên xen lẫn với nét rêu phong, không gian linh thiêng của mái chùa làm nổi bật vẻ đẹp cổ kính, nhưng cũng rất trữ tình của cụm di tích trăm tuổi. Những vạt nắng vàng nhẹ cuối xuân như nhảy nhót trên những cành mộc miên, càng khiến cho sắc đỏ của loài hoa ấy trở nên rực rỡ, vừa lộng lẫy, vừa cổ kính, hoài nhớ nơi chốn thanh tịnh.

Loài hoa “áo cưới”… 

Chọn khoe sắc vào thời điểm giao mùa của trời và đất, hoa mộc miên mang một vẻ đẹp rất riêng để người ta thêm yêu, thêm nhớ. Là mộc miên yêu kiều, pơ lang mộng mơ hay đơn giản như hoa gạo thì cái tên nào cũng là để gợi thương, gợi nhớ. Trái với sự thô nhám, sần sùi nơi thân cây, cánh hoa lại mềm mại, mịn như nhung, mang một màu đỏ thắm, làm xao xuyến với bất kì du khách nào khi ghé thăm.

Cũng theo truyền thuyết xưa, màu đỏ của hoa mộc miên chính là màu của áo cưới, màu của sợi dây tơ hồng của những đôi trai gái trao nhau thay lời hẹn thề trong tình yêu. Có lẽ cũng từ đó sắc hoa mộc miên trở thành biểu tượng cho sự thủy chung, kiên định, không thay đổi trong tình yêu.

 

Mỗi bông mộc miên to hơn bàn tay người, xòe 5 cánh đỏ rực rỡ, không mọc sát nhau, nhưng lại bung nở đỏ rực cùng thời điểm. Hoa mộc miên lìa đài, rơi xuống đất sau ba ngày nở, nhường chỗ lại cho quả non. Ngay cả khi lìa cành rụng xuống sân chùa, bông hoa vẫn tươi đẹp và giữ trọn màu hoa đỏ thắm. Sắc đỏ cùng nét cổ kính của miếu – chùa Trung Hành lâu đời hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh mang đậm màu sắc hoài cổ.

Mỗi dịp cuối tuần, cụm di tích miếu – chùa Trung Hành đón tiếp nhiều lượt du khách và người dân địa phương ghé thăm, vãn cảnh và ngắm vẻ đẹp của hoa mộc miên. Bà Mai Trâm (quận Hải An) cho biết: “Màu đỏ của hoa mộc miên khiến thế hệ chúng tôi như được vỗ về tâm trí, gợi nên những cảm xúc bồi hồi, lắng đọng về những kí ức quê hương – nơi tôi từng sinh ra và lớn lên. Những cây mộc miên cổ này đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của cụm di tích lịch sử miếu – chùa Trung Hành”.

Nét mộc mạc, tinh khiết ấy của hoa mộc miên đã níu chân biết bao thi sĩ: 

Tháng ba về bông gạo đỏ ước ao

Trên lối cũ vành nón chao em hứng

Bông hồng thắm cho má em thêm ửng

Để thẫn thờ vạt nắng những rụng rơi…

Đọc thêm