Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy tại cuộc họp với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến và ủng hộ cho Quỹ Vaccine phòng COVID-19, sáng 4/6.
Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng DN Việt Nam đã cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra trong hơn 1 năm qua. Đến nay, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Hệ lụy dịch bệnh tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển.
Bên cạnh đó, cộng đồng DN Việt Nam đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều nguồn lực trực tiếp và gián tiếp vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 như hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ, tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch…
Tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất
Đại diện các hiệp hội DN ngành da giày, thuỷ sản, dệt may, điện tử đều khẳng định vaccine là giải pháp mà các DN đang rất trông chờ để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng, đáp ứng được các đơn hàng, tận dụng được cơ hội để phát triển.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam nhấn mạnh tinh thần không phải các DN trả tiền để được ưu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 hay muốn tự nhập khẩu vaccine. Các DN vẫn tuân thủ theo các chính sách về tiêm phòng vaccine của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Vaccine về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm.
Chính phủ mong muốn người dân, DN đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vaccine nói riêng.
Chính phủ thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19 để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19".
Đại diện cộng đồng DN khẳng định tuân thủ chính sách của Chính phủ về thứ tự nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm. Các DN rất mong Bộ Y tế sớm hướng dẫn các bước chuẩn bị để tiêm vaccine cho người lao động như khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ…; cam kết thực hiện nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch, cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn COVID-19 (antoancovid.vn).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, tất cả các vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu.
Đối với những vaccine Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày. Tất cả những DN có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất.
Chính phủ không yêu cầu DN phải trả kinh phí tiêm vaccine cho người lao động
Theo Phó Thủ tướng, trong lúc vaccine là giải pháp chống dịch hữu hiệu nhưng đang khan hiếm, tâm lý chung của từng người, từng DN, ngành nghề… đều muốn được tiêm trước. Nhưng không thể vì DN đóng góp, ủng hộ kinh phí mua vaccine mà lấy đi cơ hội của những người chịu rủi ro nhiều hơn, cần được ưu tiên tiêm trước theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Vaccine về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm". Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nghị quyết 21/NQ-CP đã quy định một số đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như vận tải, hàng không, điện lực, du lịch.
Bộ Y tế cần sớm cập nhật thêm nhóm đối tượng rủi ro cao là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín… vào diện khai báo y tế bắt buộc (qua máy tính, điện thoại, khai hộ, bằng giấy, sử dụng tổng đài gọi điện tự động…), cập nhật tình trạng sức khoẻ để đánh giá sàng lọc ban đầu, chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine.
Theo Phó Thủ tướng, các DN, cá nhân có thể đóng góp vào thực hiện chiến lược vaccine không chỉ việc đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng COVID-19 mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp công khai, minh bạch. “Nhưng Chính phủ không yêu cầu DN phải trả kinh phí tiêm vaccine cho người lao động”.
Dự kiến, Bộ Y tế đã đàm phán mua được khoảng 150 triệu đến 170 triệu liều vaccine, tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý điều quan trọng là tiến độ giao vaccine cũng như khả năng điều phối để các nguồn vaccine khác nhau không về cấp tập, dồn dập trong cùng một thời điểm. Đặc biệt làm sao chúng ta phải có vaccine càng sớm, càng nhiều càng tốt, nhất là trước thời điểm tháng 10/2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi, không để bất kỳ DN nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được. Nếu vướng mắc Bộ Y tế không tháo gỡ được thì cần trình ngay lên Chính phủ giải quyết. Những nguồn vaccine thông qua các tổ chức môi giới thì phải kiểm tra kỹ trước khi đề xuất với Bộ Y tế.
Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả DN phải thực hiện nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn) để đánh giá được sự sẵn sàng và đánh giá được nguy cơ dịch bệnh.
Cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành thời gian lắng nghe, trao đổi với các DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định cộng đồng DN tin tưởng, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Cộng đồng DN Việt Nam sẽ tích cực đóng góp tài chính tự nguyện cho Quỹ Vaccine phòng COVID-19. Mong muốn người lao động sớm được tiêm vaccine là nguyện vọng chính đáng của các DN. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêm chủng và thứ tự ưu tiên cần dựa trên nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc căn cứ vào mức độ rủi ro cũng như yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép.