Món trang sức đặc biệt được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Chiếc lắc tay trang sức được gửi vào cho nữ chiến sĩ bị giặc Pháp kết án tử hình, là dấu hiệu nhận biết nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Kim Dung (thuộc Trung đội nữ cảm tử Minh Khai hoạt động trong nội đô Sài Gòn những năm kháng chiến chống Pháp).
Chiếc lắc bạc của bà Kim Dung.
Chiếc lắc bạc của bà Kim Dung.

Từ ý tưởng thành lập trung đội nữ cảm tử chuyên hoạt động trong nội đô Sài Gòn, ngày 12/12/1947, Trung đội Minh Khai làm lễ ra mắt tại Chiến khu Vườn Thơm. Các đội viên được huấn luyện quân sự và nghiệp vụ hoạt động bí mật, kỹ thuật tác chiến độc lập, kỹ thuật hóa trang, kinh nghiệm ứng phó trong những tình huống nguy hiểm khi bị giặc Pháp theo dõi, truy bắt… Nhiều trận đánh của Trung đội Minh Khai đã gây được tiếng vang.

Trận đánh anh dũng

Thời điểm đó, rạp chiếu phim Majestic ở đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) thuộc diện sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Khán giả của rạp này là những nhân vật có máu mặt, đa số là công chức và sỹ quan cao cấp của Pháp…

Tối 10/6/1948, rạp Majestic chiếu phim phục vụ đoàn sỹ quan hải quân Pháp vừa từ Paris sang Sài Gòn. Bốn đội viên Nguyễn Thị Kim Dung, Bùi Thị Huệ, Hoàng Thị Thanh (Từ Thị Đào) và Mạc Thị Lan (Huệ nhỏ) lộng lẫy trong trang phục hợp mốt, xức nước hoa thượng hạng. Khi đi ngang tên hiến binh Pháp gác cửa rạp, Kim Dung chủ động đưa bóp cho tên lính xem, nhưng tay cô lại giữ chắc quả lựu đạn gói cẩn thận trong chiếc khăn mùi xoa tẩm nước hoa. Vài phút sau, Hoàng Thị Thanh và Mạc Thị Lan cũng ung dung vào rạp ở cửa bên trái như kế hoạch đã thống nhất. Bốn người tìm chỗ ngồi thuận tiện để khi ném lựu đạn sẽ đúng tầm những hàng ghế hạng nhất dành cho những đối tượng sỹ quan cao cấp.

Đèn trong rạp vụt tắt chuẩn bị chiếu phim, Kim Dung tung quả lựu đạn về phía dãy ghế trên cùng. Một tiếng nổ vang lên. Vài giây sau lại vang lên hai tiếng nổ. Sau vài phút hoảng loạn, quân Pháp đóng cửa rạp không cho bất cứ ai ra ngoài. Hoàng Thị Thanh nhanh chân thoát ra, còn ba người kẹt lại. Lính Pháp bắt mọi người ngồi lại đúng chỗ như số vé để dễ tìm ra người đã ném lựu đạn. Kim Dung nhanh trí lượm một chiếc vé rơi rồi tìm chỗ ngồi như số ghi trên vé, nên không bị nghi ngờ gì, được ra khỏi rạp. Huệ nhỏ bị thương ở bàn chân phải do mảnh lựu đạn găm vào. Tuy vết thương không nặng, nhưng chị vờ đau đớn kêu la, cũng được cho ra. Duy nhất còn kẹt trong rạp là Bùi Thị Huệ, bị giặc đưa về bót lấy cung.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung.

Lính Pháp lùng sục lần ra những người tham gia vụ ném lựu đạn. Mạc Thị Lan và Kim Dung lần lượt bị bắt. Đặc biệt có trường hợp chị Nguyễn Thị Đào, một nữ chiến sĩ biệt động trong đội, dù không phải là Từ Thị Đào (một tên khác của Hoàng Thị Thanh) nhưng khi bị bắt, chị vẫn nhận thay cho đồng đội rằng mình là người ném lựu đạn.

Trong thời gian bị biệt giam ở bót Catinat và Khám Lớn, các nữ chiến sĩ biệt động phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau đớn về thể xác, tinh thần. Tại Khám Lớn, những tù nhân mà giặc Pháp coi là nguy hiểm bị giam riêng trong căn phòng chiều dài 2m, chiều ngang 1m, chỉ có một cửa nhỏ đưa cơm ăn nước uống. Người bị giam nhốt trong phòng kín phải sống trong điều kiện rất ngột ngạt thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí, nhiều bệnh tật.

Ngày 24/7/1948, Tòa án binh Pháp tuyên án tử hình với các nữ chiến sĩ biệt động đã tham gia trận đánh.

Chiếc lắc tình cha

Trong trận đánh này, chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Kim Dung là người Cao Lãnh, Đồng Tháp. Năm 1946, Dung cùng gia đình tản cư vào Đồng Tháp Mười, rồi được gửi lên Sài Gòn học. Tháng 1/1948, Kim Dung trốn nhà vào chiến khu, được bổ sung vào Trung đội nữ Minh Khai. Cuối tháng 3/1948, Kim Dung từ giã chiến khu Láng Le - Bầu Cò để vào nội thành nhận nhiệm vụ.

Sau này, bà Kim Dung kể lại: “Được tham gia trận đánh lớn như vậy, với tôi như một giấc mơ. Tôi háo hức lắm. Majestic bấy giờ là rạp chiếu bóng thuộc vào hạng sang trọng nhất Sài Gòn, là nơi lui tới của công chức và sĩ quan Pháp cùng các gia đình thuộc tầng lớp quý tộc thượng lưu thân Pháp, biết tiếng Pháp. Vì thế, rạp được canh gác vòng trong, vòng ngoài rất nghiêm ngặt. Sau khi điều nghiên kỹ địa hình, chuẩn bị đầy đủ vũ khí và vật dụng cần thiết, chúng tôi có mặt tại nơi tập kết là một tiệm may nằm trong con hẻm tiếp giáp đường Garcerie và Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu), chuẩn bị xuất phát”.

“Tôi vào vai một tiểu thư khuê các con nhà giàu. Tôi được hóa trang rất kỹ, đeo đầy vòng vàng xuyến bạc, mặc bộ quần áo tơ lụa phẳng phiu, mặt đánh phấn, môi tô son hồng cánh sen, thêm mái tóc dài mượt chấm ngang eo “cố tình” sực nức loại nước hoa hảo hạng. Vì sao nói là cố tình? Tôi xin mở ngoặc nói một chút về thứ “vũ khí đặc biệt” không thể thiếu trong khi thực hiện nhiệm vụ, đó là nước hoa. Bởi vì, sau khi quăng lựu đạn, công việc đầu tiên của chúng tôi là phải vuốt thật kỹ tay lên tóc. Nước hoa có tác dụng làm bay mùi gang thép lựu đạn trên tay”.

“Trong tư thế một tiểu thư đài các, tôi bước vào trận đánh, không suy nghĩ nhiều. Tôi chỉ làm nhiệm vụ đơn vị đã tin tưởng giao cho”.

Thời điểm đó, những chiến sĩ bị giặc Pháp bắt, bị kết án tử hình thường bằng hình thức chặt đầu, nên việc gia đình nhận diện không dễ dàng. Trong lúc Kim Dung bị biệt giam ở Khám Lớn Sài Gòn năm 1949, gia đình đã nhờ người lén đem vào cho bà một chiếc lắc bạc và mẩu giấy có dòng chữ: “Con đeo để ba tìm xác con”.

Kim Dung đã bật khóc nức nở khi nhận ra nét chữ thân thuộc của cha. Chiếc lắc vốn chỉ là món đồ trang sức tô điểm thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ, nay trở thành lời vĩnh biệt của người cha gửi tới con, là dấu hiệu để nhận biết phần xác con mình. Có lẽ cha của bà đã vừa làm chiếc lắc bạc này vừa nghẹn ngào rơi những giọt nước mắt đau lòng.

Mẩu giấy chỉ vẻn vẹn 7 từ, không có bất cứ lời hỏi han hay nhớ thương nào, nhưng có thể cảm nhận được nỗi đau đến đứt ruột của người cha ấy, khi biết con gái mình sắp phải nhận một cái chết đau đớn; và ông sẵn sàng tâm lý đi tìm thi hài không còn nguyên vẹn của con.

Sau này với sự đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, các nữ chiến sĩ biệt động đã thoát án tử hình. Kim Dung được giảm án xuống 20 năm tù và chuyển về giam giữ ở khám lớn Chí Hòa từ năm 1949-1954. Kim Dung không phút giây nào rời chiếc lắc của cha. “Chiếc lắc cha làm thấm bao nước mắt/Gửi con đeo như dấu ấn nhận con về/Ôi! Nhỏ nhoi chiếc lắc vô tri/Mà mang nặng nghĩa tình cha mẹ/Sưởi ấm lòng trong xà lim lạnh giá/Là ngọn lửa hồng nuôi ý chí đấu tranh…”, là những dòng thơ bà viết.

Chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng. Chiếc lắc bạc đặc biệt nay là một hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, minh chứng cho tình thương cha mẹ với con, minh chứng truyền thống trung dũng kiên cường Thành đồng Nam Bộ.

Đọc thêm