Từ bỏ giấc mơ vì đám cưới
Hồ Thị Lía là một cô bé dân tộc H’Mông ở Hà Giang. Như nhiều bé gái ở bản, Lía không được đi học mà phải ở nhà phụ giúp gia đình và bị gả chồng khi tuổi mới 12, 13. Lấy chồng sớm ở cái tuổi trẻ con ăn chưa no, lo chưa tới đã là một bất hạnh, nhưng số phận của Hồ Thị Lía lại càng bất hạnh hơn khi con trai em mới được 1 tháng tuổi thì chồng mất.
Hết chỗ bấu víu, nương tựa, gia cảnh nhà chồng khốn khó, Lía buộc phải đưa con về sống với bố mẹ đẻ, nhưng gia cảnh nhà em nào có hơn gì. Cả gia đình rau cháo nuôi nhau, quanh năm ăn ngô thay cơm, mấy năm liền chẳng biết đến mùi thịt, cá. Làm mẹ một đứa trẻ chập chững biết đi nhưng cực khổ, thiếu ăn khiến Hồ Thị Lía bé xíu như cái kẹo, khuôn mặt măng tơ đã nhuốm nét khổ đau. Ngày ngày, cứ sáng tinh mơ, khi màn sương núi còn chưa tan hết, hai mẹ con Lía lại địu nhau lên nương làm rẫy, cho đến tận tối mịt mới về. Chăm chỉ là vậy nhưng cái đói, nỗi buồn vẫn cứ đeo bám hai mẹ con từ ngày này qua ngày khác…
Nét đau khổ đã sớm in hằn trên gương mặt non tơ của Hồ Thị Lía. |
Cùng tình cảnh với Hồ Thị Lía, Hoàng Thị Mỵ, dân tộc H’Mông, đang học lớp 9 Trường THCS xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cũng bị bố mẹ ép bỏ học, lấy chồng. Nhưng Mỵ khác Lía ở chỗ em mạnh mẽ hơn và quyết định phải tự cứu mình. Mỵ đã gọi cho một nhà báo ở thành phố Cao Bằng, đã viết đơn báo cáo việc này lên nhà trường nơi mình theo học để khẩn cầu sự giúp đỡ.
Nhà báo về làm việc, Mỵ khóc lóc xin đi theo để thoát địa ngục ép cưới tảo hôn. Em khẳng định nếu phải cưới thì em sẽ tự tử, mặc cho gia đình dọa nạt đã nhận tiền của nhà trai. Trường hợp của Mỵ đã được Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Bảo Lạc, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Bảo Lạc tham gia giải quyết.
Không phải tất cả 54 dân tộc đều đề xuất
Mới đây, ngày 13/1/2014 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Theo đó, về độ tuổi kết hôn, đại diện Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi kèm theo một số điều kiện chặt chẽ như: chỉ giảm tối đa không quá 2 tuổi, được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung... Việc bổ sung quy định ngoại lệ được cho là sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này. Trên cơ sở luật định, Chính phủ sẽ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt kết hôn từ đủ 16 tuổi.
Tuy nhiên, trước đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Làm luật phải theo xu hướng tiến bộ, hạ tuổi của nữ xuống 16 tuổi được lấy chồng liệu có ngược xu hướng?”. Bên cạnh rất nhiều ý kiến tán đồng quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, cũng có ý kiến góp ý thêm rằng muốn bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi thì nhất thiết phải rà soát kỹ lưỡng chuyện hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, có danh mục những đồng bào dân tộc thiểu số nào và độ tuổi kết hôn của họ thực tế thế nào…
Còn nhớ, trong các cuộc họp của Ban soạn thảo Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), cũng không nhiều ý kiến tán đồng việc hạ tuổi kết hôn. Đặc biệt, về vấn đề này, trong cuộc họp Ban soạn thảo lần thứ tư, đại diện Ủy ban Dân tộc đã cho rằng, chỉ một số ít dân tộc đề nghị hạ tuổi kết hôn xuống 16 chứ không phải tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam đều đề xuất như thế.
Hồ Thị Lía, Hoàng Thị My - chỉ là hai trong số hàng nghìn bé gái ở Việt Nam mang thai khi ở tuổi chưa thành niên, mà nguyên nhân chính yếu nhất vẫn là do việc kết hôn sớm. Hậu quả của việc kết hôn và mang thai quá sớm ở tuổi chưa thành niên như: nguy cơ tử vong và thương tật cao; rút ngắn cơ hội học hành, hạn chế sự lựa chọn trong cuộc sống; chìm trong cảnh đói nghèo triền miên… sẽ theo các em gái suốt cuộc đời, ảnh hưởng tới các thế hệ mai sau.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới có một quan điểm rất nhất quán. Đúc rút từ lĩnh vực nghiên cứu của mình, ông Minh cho rằng không nên hạ tuổi kết hôn của nữ cũng như bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi kết hôn, vì điều này sẽ tạo ra nhiều tiêu cực xã hội, đẩy cao nạn tảo hôn, hiếp dâm trẻ em... “Luật phải điều chỉnh được tổng thể vì mục đích chung, thay vì chạy theo từng vấn đề nhỏ nhặt của thực tế” – ông Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh.