Mong ước giản dị của vợ chồng khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng cảnh bị khuyết tật bẩm sinh, chuyện tình của anh Hoàng Văn Phong (SN 1965) và chị Lê Thị Liên (SN 1970, ngụ thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) khiến nhiều người xúc động.
Anh Hoàng Văn Phong
Anh Hoàng Văn Phong

Anh Phong là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Do khuyết tật bẩm sinh, đến tuổi trưởng thành, anh chỉ cao 90cm. Sức khỏe không đảm bảo, việc đi lại và sinh hoạt của anh cũng bị ảnh hưởng nhiều. Mặc dù rất cố gắng để được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, song do sức khỏe và một phần do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chỉ học hết tiểu học.

Tuy nhiên, khi lớn lên, với đôi bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ, anh Phong được người dân trong vùng biết đến nhờ biệt tài làm nón lá. Những chiếc nón bền, đẹp với đường khâu mũi chỉ đều tăm tắp, được anh kỳ công làm ra. “Những chiếc nón lá của các mẹ, các bà đội trên đầu khi đi chợ, đi làm đồng; thậm chí những cô gái trẻ ngày cưới lên xe hoa về nhà chồng trong xã Kỳ Hoa đều là sản phẩm của tôi làm ra”, anh Phong thích thú chia sẻ.

anh Hoàng Vọanh Hoàng Vọ

Cũng nhờ tài may nón, anh đã gặp được người vợ là chị Lê Thị Liên, một người đồng cảnh ngộ. Chị Liên là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh em, chị bị dị tật bẩm sinh ở chân, đi lại cũng gặp không ít khó khăn. Cách đây 26 năm, chị Liên nghe tiếng anh Phong làm nón lá đẹp, cất công đến tận nhà để mua. Từ cảm phục đến đồng cảm, ngay từ lần gặp đầu tiên, chị đã dành cho anh tình cảm đặc biệt. Sau 5 tháng tìm hiểu nhau, vượt qua bao khó khăn, thậm chí là sự cấm cản từ gia đình hai bên, hai người đã tổ chức đám cưới giản dị.

Nhắc đến tình yêu của mình, chị Liên nhìn chồng cười ngại ngùng: “Nhìn anh ấy thương lắm, lại hiền lành nên mình cũng cảm mến mà về chung nhà”. Cảm động về người vợ của mình, anh Phong cũng rưng rưng nhắc lại: “Khoảng thời gian khó khăn mà tôi nhớ nhất là sau khi cưới 3 tháng, bố của tôi bị bệnh ung thư nên qua đời. Anh chị tôi sau khi lập gia đình đều làm ăn xa, mẹ thì đã có tuổi. Gia đình hai bên đều khó khăn nên vợ chồng tôi phải tự bươn chải, vợ mò cua, bắt ốc, trồng rau, ai thuê làm gì cũng cố gắng làm, còn tôi vẫn tiếp tục may nón, để đủ tiền lo bữa ăn hàng ngày và chăm lo cho mẹ. Bữa ăn đạm bạc cơm, cà, dưa muối nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì tình cảm gia đình ấm áp”.

Năm 1998, người con gái đầu của anh chị chào đời. Bốn năm sau, anh chị có thêm con trai. Cả hai con đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn khiến cuộc sống gia đình càng thêm hạnh phúc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Nhất là càng về sau sức khỏe của hai vợ chồng ngày càng yếu, anh Phong mắt càng ngày càng kém không thể tiếp tục làm nón. Chị Liên sức khỏe cũng yếu hơn, không thể làm được công việc nặng nhọc.

Cơ duyên vượt qua cơn bĩ cực đến khi anh chị được Hợp tác xã thôn Hoa Văn giao canh tác trên 3 sào đất nông nghiệp. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng, anh chị mua 2 con bò, mua giống rau quả như dưa hấu, táo, cải, cà rốt, su hào, sắn, khoai... về trồng, từng bước phát triển kinh tế. Sau một vài mùa vụ đầu thất bại do thiếu kinh nghiệm sản xuất, hai vợ chồng dần lấy lại được vốn liếng, có những mùa mưa gió thuận hòa, vợ chồng thu nhập trên 30 triệu đồng.

Đáp lại sự vất vả và tình thương của cha mẹ, các con của anh chị đều chăm ngoan học giỏi. Thương bố mẹ, cô con gái đầu học xong lớp 12 đã quyết định đi xuất khẩu lao động với mong muốn kiếm tiền gửi về giúp bố mẹ. Người con trai hiện cũng đang học nghề ở thành phố Vinh.

Sau gần 10 năm cố gắng tích góp tiền, vợ chồng anh chị đã trả hết nợ ngân hàng, vừa mới hoàn thiện được ngôi nhà khang trang. “Không dám mong muốn điều gì cao sang, chỉ mong tôi, vợ và hai con luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ, đủ ăn, đủ mặc như hiện tại là tôi mãn nguyện lắm rồi”, anh Phong chia sẻ.

Đọc thêm