Một vụ án cần cơ quan tố tụng Trung ương vào cuộc

(PLO) - Sau khi Báo PLVN ra ngày 9/12/2013 đăng bài “Một vụ án cần xem xét thấu tình, đạt lý ở Quảng Nam”, liên ngành Kiểm sát – Công an tỉnh Quảng Nam đã có công văn hồi âm cho rằng bài báo không khách quan và đề nghị đính chính. Để rộng đường dư luận, PLVN xin được trở lại vụ việc này.
Cty Quảng Cường
Cty Quảng Cường
Bài báo hoàn toàn khách quan
Theo Công văn số 07/PA92 do Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Huỳnh Trung Nguyên và Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Đính ký: Ngày 28/9/2007, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định 3016 cho phép Công ty Cổ phần Quảng Cường (thôn 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam do ông Lương Hạnh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành) được sử dụng vật liệu nổ để khai thác đá xây dựng ở mỏ đá Tân Đợi thời hạn từ tháng 9/2007 đến ngày 31/5/2010; trên cơ sở đó Cty đã mua 4.968kg thuốc nổ, 18.000 kíp nổ và 8.000m dây cháy chậm.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2007 đến tháng 5/2010, Cty chỉ sử dụng 663kg thuốc nổ, 2.197 kíp nổ khai thác đá ở mỏ Tân Đợi, số còn lại ông Hạnh chỉ đạo xuất kho bán cho các đối tác và số vật liệu nổ trên được sử dụng hết vào khai thác ở mỏ vàng Hà Thanh thời gian từ tháng 10/2008 đến ngày 13/12/2010 (mỏ vàng này cũng được cơ quan chức năng cấp cho Cty Quảng Cường – PV); trong khi ngày 14/12/2010 mỏ vàng này mới được cấp phép sử dụng vật liệu nổ. 
Việc ngày 4/2/2009 Cty Quảng Cường được Công an tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng vật liệu nổ tại mỏ Hà Thanh không có nghĩa là Cty được sử dụng vật liệu nổ tại đây. Công văn này còn cho rằng ông Hạnh biết việc xuất kho bán vật liệu nổ là sai nên đã chỉ đạo Đoàn Tuấn, Nguyễn Văn Sơn hợp thức hóa hồ sơ bằng cách lập phiếu xuất kho số vật liệu nổ trên vào sử dụng tại mỏ đá Tân Đợi.
Từ những hành vi trên, liên ngành Kiểm sát – Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng ông Hạnh phạm tội “Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ” theo Điểm a Khoản 4 Điều 232 Bộ luật Hình sự. Về động cơ, mục đích, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Bởi vậy, việc Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt giam để điều tra là đúng quy định của pháp luật.
Có thể thấy, với nội dung này thì không hiểu VKSND và Công an tỉnh Quảng Nam căn cứ vào đâu để cho rằng bài báo “Một vụ án cần xem xét thấu tình, đạt lý ở Quảng Nam” ra ngày 9/12/2013 là thiếu khách quan. Bởi tại bài báo nêu trên, PLVN đã cơ bản đề cập đến quá trình tố tụng của hai cơ quan này và Tòa soạn không hề có câu, từ nào phản bác kết luận của Cơ quan điều tra cũng như cáo trạng của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, với mong muốn vụ án được xem xét thấu tình, đạt lý, bài báo cũng phản ánh ý kiến của ông Hạnh và kiến nghị của một số cơ quan huyện Đại Lộc; điều này được thể hiện ngay tại tiêu đề cũng như kết luận của bài báo. 
Từ những nội dung trên, PLVN khẳng định bài báo “Một vụ án cần xem xét thấu tình, đạt lý ở Quảng Nam” ngày 9/12/2013 được đăng tải khách quan, đúng quy định của Luật Báo chí.
Luật sư nói gì?
Trở lại vụ án, ông Hạnh cho rằng số vật liệu nổ trên Cty Quảng Cường mua có giấy phép của UBND tỉnh Quảng Nam cấp chứ không mua lậu. Mỏ đá Tân Đợi và mỏ vàng Hà Thanh đều được cơ quan chức năng cấp cho Cty và thực tế Cty cũng đã được Công an tỉnh Quảng Nam cấp phép đủ điều kiện để sử dụng vật liệu nổ, nên trong khi chờ xin cấp phép sử dụng vật liệu nổ để khai thác vàng ở Hà Thanh, Cty có chuyển vật liệu nổ cho cổ đông góp vốn, đối tác ký hợp đồng khai thác mỏ để khai thác vàng ở Hà Thanh, có người không thu tiền, có người thì lấy giá thấp hơn giá mua chứ ông không bán ra ngoài; mặt khác toàn bộ số vật liệu nổ này được dùng vào khai thác mỏ vàng chứ không sử dụng mục đích khác; cùng với năm 2010 Cty được cấp phép sử dụng vật liệu nổ tại mỏ vàng Hà Thanh nên hành vi của ông có chăng chỉ dừng lại ở mức bị nhắc nhở, xử phạt hành chính, thậm chí là rút giấy phép hoạt động chứ chưa đến mức phải bắt giam, truy tố.
Thực tế vụ án này thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận và giới luật sư. Bày tỏ ý kiến với báo giới, Luật sư Nguyễn Thị Việt, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng việc truy tố ông Hạnh cùng các bị can trong vụ án này là thiếu căn cứ. Cty Quảng Cường là doanh nghiệp được cấp phép mua và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với mục đích sử dụng tại mỏ đá Tân Đợi; còn việc sử dụng thuốc nổ tại mỏ vàng Hà Thanh khi chưa được phép (tháng 12/2010 mới được cấp phép) chỉ là hành vi sử dụng sai mục đích nên chỉ bị phạt hành chính.
Đồng quan điểm nêu trên, Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cũng trả lời báo giới rằng: Mỏ vàng Thanh Hà là của Cty Quảng Cường nên không tồn tại hành vi “mua bán” vì số thuốc nổ này được sử dụng trong nội bộ Cty. Với những căn cứ này thì không đủ cơ sở để khởi tố hình sự các bị can tội danh “Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ”. Chỉ khi sử dụng thuốc nổ sai mục đích gây hậu quả nghiêm trọng mới có thể xem xét đến yếu tố hình sự. 
Có thể thấy, vụ án này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, các cơ quan tố tụng Trung ương cần vào cuộc xem xét một cách khách quan, thấu tình, đạt lý. PLVN sẽ tiếp tục trở lại với những “tình – lý” được Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam áp dụng như thế nào trong vụ án này.

Đọc thêm