Cụ thể, tại huyện Bố Trạch, các ngầm tràn như ngầm Cầu Bùng, ngầm Khe Điện, ngầm Khe Chè (xã Hưng Trạch) ngập từ 0,4m-1,5m; ngầm Bến Troóc , ngầm Đập Cây Trung, ngầm Đồng Phường, ngầm tràn đường anh Trỗi (xã Phúc Trạch) ngập từ 0,3 – 1m; ngầm tràn Khe Ngát (Thị trấn Nông trường Việt Trung) ngập 0,5m, người dân không qua lại được, đã được cảnh báo chốt chặn.
Tại huyện Tuyên Hóa, cầu Sủng Mè và cầu Đồng Khe (xã Đồng Hóa) ngập từ 0,2 – 0,4m; cầu Tràn Khe Vàng (xã Cao Quảng) ngập khoảng 0,5m.
Tại huyện Minh Hóa, ngầm Hà Nông, Cu Pi, Tô Cô (xã Trọng Hóa) nước lũ đang dâng và chảy xiết khiến đường vào 7 bản vùng trong tạm thời bị chia cắt; ngầm Ka-Ai (xã Dân Hóa) nước ngập khoảng 1m nên người và phương tiện không lưu thông được; ngầm tràn Tân Lý (xã Minh Hóa) ngập sâu không lưu thông được; cầu tràn bến Seeng (xã Tân Hóa) bị ngập chia cắt thông 4, thôn 5 Yên Thọ.
|
Một số điểm tại QL9C sạt lở đất đá ra bề mặt đường. |
|
Nhiều địa bàn qua các khu vực ngầm tràn bị ngập sâu gây chia cắt. |
|
Tỉnh Quảng Bình đã lên phương án di dời người dân tại 39 điểm có nguy cơ cao về sạt lở với khoảng 501 hộ/1.903 nhân khẩu. |
Một số tuyến quốc lộ như QL15 tắc đường tại ngầm Cầu Bùng Km562+200; QL9B tắc đường tại các ngầm tràn ngập sâu đã được đóng barie và bố trí người phân luồng đảm bảo an toàn giao thông; tại Km32+200, Km31+400 thuộc quốc lộ 9C có xảy ra tình trạng sạt lở đất đá xuống nền và mặt đường...
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, tỉnh Quảng Bình cũng đã lên các phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông dựa vào tình hình thực tế. Đồng thời, sẵn sàng các địa điểm, đảm bảo cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu... tại các điểm tránh trú đảm bảo các biện pháp an toàn về phòng chống dịch COVID-19.