Tỉnh Phú Thọ có diện tích rừng lớn với trên 170.000ha, chiếm gần 40% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Để gìn giữ màu xanh của rừng, công tác giao khoán bảo vệ rừng đã được tỉnh tăng cường thực hiện.
Trong năm qua, tỉnh đã giao khoán bảo vệ trên 37.230ha, trong đó gần 11.100ha rừng đặc dụng, trên 20.900ha rừng phòng hộ, hơn 5.230ha rừng sản xuất, vượt kế hoạch đề ra.
Thời gian qua, các địa phương có diện tích rừng chiếm tỉ lệ lớn như các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Phù Ninh… đều thực hiện tốt việc giao khoán, bảo vệ rừng. Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, những năm qua, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, tại huyện Yên Lập, toàn huyện có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên 30.700ha, chiếm trên 70% diện tích tự nhiên của huyện. Hiện huyện đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng 7.740ha, trong đó hơn 254ha rừng đặc dụng, gần 5.340ha rừng phòng hộ và 2.147ha rừng sản xuất.
Từ khi được giao khoán bảo vệ, quản lý, phát triển rừng, người dân được tập huấn, hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật trồng và bảo vệ rừng, phổ biến kiến thức pháp luật về rừng, nhờ vậy ý thức tự giác bảo vệ của người dân càng nâng cao, góp phần tích cực bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Bên cạnh đó, nhân dân các địa phương còn được cán bộ kiểm lâm giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật, phương pháp trồng rừng, từ đó người dân gắn bó với rừng, chú trọng trồng và chăm sóc rừng tốt hơn.
Tỉnh Phú Thọ còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, thâm canh, bảo vệ động, thực vật rừng... đảm bảo cho diện tích rừng sinh trưởng, phát triển tốt.
|
Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh Phú Thọ có kế hoạch trồng mới một triệu cây phân tán |
Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh Phú Thọ có kế hoạch trồng mới gần 10.000ha rừng tập trung, trên một triệu cây phân tán. Trong đó, chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng và các loại cây lâm nghiệp chủ lực, có lợi thế của từng địa phương để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị cho ngành lâm nghiệp. Đồng thời, quy hoạch các nguồn giống, hệ thống vườn ươm bảo đảm đủ cây giống lâm nghiệp chất lượng phục vụ trồng rừng…
Năm nay, tỉnh Phú Thọ vinh dự được chọn là nơi tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Lễ phát động.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước đã kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước hăng hái tham gia chương trình trồng một tỉ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” ngay từ những ngày đầu năm 2022.
Tại lễ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang cho biết: Trong những năm qua, Phú Thọ luôn quan tâm gìn giữ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái; đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây xanh, cây bóng mát tạo cảnh quan. Định hướng phát triển của tỉnh Phú Thọ trong những năm tới là phát triển toàn diện cả về kinh tế - xã hội; hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.