Lễ hội nhiều làng đồng tổ chức
Đắk Nông là vùng đất giao thoa, hội tụ những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào thiểu số Tây Nguyên, có nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc thù, trong đó có Lễ sum họp cộng đồng.
Lễ thường được tổ chức vào đầu mùa xuân, là khi bà con đã hoàn tất những công việc lao động trên rẫy trong một năm vất vả. Đây là lễ lớn với sự tham gia của nhiều bon làng, nên phải 3 - 5 năm mới tổ chức một lần với quy mô lớn từ 5 - 10 bon làng tham gia.
Trước khi lễ hội diễn ra, già làng của các bon sẽ họp lại, thống nhất địa điểm, quy mô tổ chức. Đến dự lễ, mỗi bon làng đều mang theo các sản vật tự làm ra như heo, gà, lúa gạo, rượu cần. Và bon chủ nhà cũng phải chuẩn bị tương tự như vậy để đãi khách.
Để chuẩn bị cho lễ hội, một cây nêu lớn sẽ được dựng lên, thông báo và mời gọi các thần linh biết mà về dự lễ với bon làng. Phần ngọn trên cây nêu được trang trí nhiều bông, hình chim, nai kết bằng tre nứa, được tô vẽ khéo léo, tinh xảo. Thân cây nêu trang trí hoa văn với màu chủ đạo là đen, đỏ và trắng. Ở giữa thân cây nêu là một mâm tre hình vuông bày biện các lễ vật cúng thần như thịt, cơm và bầu rượu cần.
|
Già làng M’nông trong lễ cúng |
Đặc biệt, bên cạnh cây nêu lớn còn dựng một cây nêu thấp hơn bằng cây gòn gai. Đầu cây được gọt thành hình mỏ con chim đại bàng với ý nghĩa thông báo cho tổ tiên biết để về dự lễ. Ngay trước hai cây nêu là một hàng rào nhỏ tượng trưng cho ranh giới giữa con người trần tục và thần linh. Quanh hai cây nêu dựng thêm hai nhà dài bằng tre lợp lá, là nơi để mọi người giao lưu, nghỉ ngơi khi đã chu đáo và thành kính chuẩn bị xong mọi thứ.
Người M’nông có quan niệm vạn vật hữu linh nên bất cứ một sự việc nào diễn ra trong đời sống hàng ngày của người M’nông đều phải được cúng bái. Ngoài các nghi lễ truyền thống mang tính cộng đồng, liên quan đến vòng đời con người, đồng bào M’nông còn có thêm các nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đều được tiến hành xuyên suốt cả một mùa rẫy.
Mở đầu lễ, các dàn chiêng thi nhau tấu lên những bài chiêng chào đón khách, các nam thanh nữ tú nắm tay nhau ca hát, nhảy múa vòng tròn quanh cây nêu. Đây cũng là lúc già làng tiến hành nghi thức đâm trâu cầu các thần linh chứng giám, giúp cho bon làng làm ăn phát đạt, dân làng gắn bó.
Sau khi làm lễ đâm trâu để tế thần, thịt trâu được chế biến tại chỗ mời khách, một phần được chia ra cho mọi người trong bon mang về, người không đi cũng có phần. Cứ thế, mọi người vừa thưởng thức món ăn, rượu cần, vừa giao lưu sinh hoạt, hát dân ca, dân vũ, hát đối đáp, các nghệ nhân hát kể Ot’rông quanh đống lửa bập bùng kéo dài tận đêm khuya. Ngày hôm sau, mọi người tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian như bắn nỏ, nhảy bao bố, đẩy gậy, đi cà khoeo, kéo co... tạo không khí vui tươi, phấn khởi thu hút đông đảo người dân đến xem và đây là dịp tốt để các dân tộc trong tỉnh trao đổi, học tập lẫn nhau về cách bảo tồn các môn thể thao dân tộc.
|
Phụ nữ người M’nông |
Hiếu khách, thắt chặt tình đoàn kết
Theo già làng Marin bon Bu Brung Lu (xã Đắk N’drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông): Trong tất cả các lễ hội lớn mang tính cộng đồng của người M’nông, đặc biệt là Lễ hội Sum họp cộng đồng, thì phần mở đầu là nghi thức đón bạn rất trang trọng, linh thiêng. Bởi lẽ, nghi thức này vừa thể hiện lòng hiếu khách, tôn trọng khách, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau chia sẻ niềm vui với cộng đồng.
Cụ thể, bon chủ nhà (bon đứng ra tổ chức) sẽ bố trí nghệ nhân cồng chiêng, lễ vật và cử người biết ăn nói lưu loát, biết hát đối đáp cùng già làng đứng đón khách từ đầu bon. Khi đoàn khách bon bạn đến, bon chủ nhà hát đối, bên bon khách đáp lại và tặng vật phẩm cho nhau như thuốc rê, bầu bí, cá… Lúc này bài chiêng Ching ngăn (đón khách) được tấu lên một cách trang trọng để đón chào bà con gần xa về dự.
Với quan niệm “khách vào bon như con vào bụng” nên không phân biệt đàn bà và đàn ông, giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, tất cả đều được bon chủ chào đón một cách nồng nhiệt. Đặc biệt, trong nghi thức đón bạn, cả chủ nhà và khách đều đi chân đất, đầu trần, mang trang phục truyền thống của dân tộc mình để thể hiện sự tôn nghiêm của lễ hội và sự tôn trọng khách.
|
Nhịp chiêng người M’nông |
Trong không khí náo nhiệt và âm thanh giòn giã, vang dội của cồng chiêng, bon chủ nhà trao tặng cho khách những chiếc vòng sức khỏe với lời cầu chúc luôn được khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Sau đó mới tiếp tục thực hiện phần nghi thức chính của buổi lễ.
Thanh niên nam nữ cùng nắm tay nhau nhảy múa xung quanh cây nêu và hát bài ca đoàn kết. Ngoài việc trao nhau những vật phẩm mang tính truyền thống thì cả khách, chủ đều cùng uống chung ché rượu cần và thưởng thức các món ăn như cơm lam, thịt nướng…
Ngoài ý nghĩa bình đẳng giữa con người với con người thì nghi thức đón bạn còn mang tính cộng đồng rất cao, không chỉ đề cao giá trị văn hóa mà còn là dịp để tất cả mọi người tìm hiểu về nhau, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong làm ăn, chăm sóc gia đình. Thông qua đó mà giáo dục tinh thần đoàn kết, ý thức lao động, xây dựng, bảo vệ bon làng và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng ngày càng phát triển tốt đẹp.
Theo nhiều đánh giá, Lễ hội Sum họp cộng đồng là một lễ hội lớn có tầm vóc và quy mô lớn của đồng bào M’nông, không chỉ có ý nghĩa trong việc giáo dục, mà còn là dịp để nhắc nhở con cháu luôn giữ gìn, bảo tồn và phát huy những lễ hội truyền thống tốt đẹp của cha ông, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng trong mỗi dịp Xuân về.