Mức xử phạt hành vi đạp xe thể dục trên đường cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Thành Đạt (Hà Nội) hỏi: Thời gian qua, trên nhiều tuyến đường cao tốc xuất hiện những tốp người đạp xe tập thể dục. Xin hỏi, hành vi đi xe đạp vào đường cao tốc bị xử phạt như thế nào?
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Luật gia Chu Văn Quân - Hội Luật gia Việt Nam trả lời: Khoản 12 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Như vậy, đoàn người đạp xe thể dục trên đường cao tốc là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người đạp xe vào đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ bị xử phạt từ 400 - 600.000 đồng.

Trường hợp, nếu để xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc đạp xe trái phép trên đường cao tốc, tùy theo tính chất và mức độ của vụ việc, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Đồng thời, người đạp xe đạp trái phép trên đường cao tốc còn phải bồi thường thiệt hại nếu có.

Đọc thêm