Toàn huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn với 118 bản, tổ dân phố. Dân số của huyện đến nay là trên 50 nghìn người, có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ mú và một số dân tộc khác.
Ngay từ khi mới chia tách, Mường Ảng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức: Nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé manh mún, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 của huyện Mường Ảng chiếm gần 70% theo chuẩn nghèo cũ. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông hầu như chưa được đầu tư, thiếu đồng bộ.
Từ trụ sở Huyện ủy, UBND huyện đến các cơ quan đơn vị là công trình tạm; 10/10 trụ sở các xã, thị trấn chưa được đầu tư, trong đó có 3 xã chưa có trụ sở làm việc. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hầu hết là mới được tuyển dụng, chưa có kinh nghiệm, chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các Sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh; cấp ủy chính quyền nhân dân các dân tộc huyện Mường Ảng xác định việc chia tách, thành lập huyện là mốc lịch sử quan trọng, là tiền đề, điều kiện để tranh thủ những thời cơ, cơ hội vượt qua những khó khăn, thách thức, khai thác triệt để những tiềm năng thế mạnh của địa phương hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng huyện nhà phát triển, giàu đẹp.
Trải qua 15 năm từ khi chia tách, thành lập đến nay, Mường Ảng đã có bước phát triển khá toàn diện. Kinh tế phát triển ổn định, có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm tăng 6,4 lần so với thời kỳ đầu thành lập. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và phát triển toàn diện.
Theo đó, hàng chục doanh nghiệp đang đồng hành cùng huyện khảo sát, đầu tư mở rộng diện tích phát triển cây Mắc ca, cà phê, các cây ăn quả và một số dự án nhiệt điện, dự án đá xẻ, gạch không nung, khu trung chuyển rác thải và khu công nghiệp rộng 15ha tỉnh Điện Biên đã Phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2020. Gần đây nhất, Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc đã đầu tư xây dựng Nhà máy thu mua và chế biến cà phê tươi Việt Bắc tại bản Co Có, xã Ẳng Tở với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng trên diện tích trên 2,6ha; công suất chế biến 2.000 tấn cà phê tươi và cà phê thóc thành phẩm/năm; mỗi năm sản xuất khoảng 5.000 tấn phân vi sinh từ vỏ cây cà phê.
Cây cà phê là một trong những cây trồng chủ đạo đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân |
Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, đến nay Mường Ảng đã có gần 70 công ty và doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh; 26 hợp tác xã, trên 1.500 hộ kinh doanh với tổng giá trị vốn kinh doanh trên 266,5 tỷ đồng; 24 hộ nông dân sản xuất trang trại tổng hợp; hằng năm trung bình có khoảng trên 100 hộ kinh doanh mới được cấp phép, vốn đăng ký ước đạt trên 15 tỷ đồng.
Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai toàn diện trên bề rộng và đi vào chiều sâu. Mường Ảng đặc biệt quan tâm hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện từng bước được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, được hưởng lợi từ những chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm tăng, tính đến đầu kỳ năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân hằng năm đều giảm trên 5%/năm, hiện nay theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025 giảm còn 38,06% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm còn 26,19%.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc, toàn huyện hiện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 11,4 tiêu chí/xã. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động dịch vụ, du lịch có bước phát triển mạnh.
Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó: Sự nghiệp giáo dục đào tạo được quan tâm, quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực.
Đến nay, toàn huyện có 38 trường, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; 01 Trung tâm chính trị, đã có 29 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng luôn được quan tâm thường xuyên, đến nay có 11,41 bác sỹ trên vạn dân, 10/10 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực.
Hệ thống tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, Đảng bộ luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và nâng cao chất lượng hoạt động của các Chi, Đảng bộ cơ sở, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Quan tâm chú trọng công tác phát triển Đảng. Đến nay, 100% bản, trường, trạm y tế đã có Đảng viên. Khi mới chia tách, Đảng bộ huyện có 853 đảng viên với 11 cơ sở đảng và 86 chi bộ trực thuộc, đến nay Đảng bộ huyện có trên 2.800 đảng viên với 43 tổ chức cơ sở đảng, 183 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.