Mỹ muốn đưa phụ nữ lên mặt trăng

Phó Tổng thống Mike Pence hôm 26/3 công bố mục tiêu đưa người Mỹ trở lại mặt trăng trong vòng 5 năm tới "bằng bất kỳ phương tiện nào cần thiết".

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Không gian quốc gia tại TP Huntsville, bang Alabama, ông Pence nhấn mạnh Mỹ đang trong cuộc đua không gian, tương tự những gì xảy ra trong thập niên 1960.

Đáng chú ý, theo Reuters, ông Pence nêu mục tiêu đưa 2 công dân Mỹ - 1 nam và 1 nữ - đặt chân lên mặt trăng. Nếu sứ mệnh này diễn ra, đó sẽ là người phụ nữ đầu tiên đặt chân trên mặt trăng.

Phi hành gia James B. Irwin trên bề mặt mặt trăng hồi năm 1971 Ảnh: NASA

Theo kế hoạch ban đầu, Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) sẽ đưa phi hành gia Mỹ trở lại mặt trăng vào năm 2028 sau khi đưa trạm không gian Gateway lên quỹ đạo mặt trăng vào năm 2024. Chương trình này đang bị trì hoãn bởi quá trình phát triển tên lửa đẩy mới, gọi tắt là SLS. Trong bài phát biểu trên, ông Pence dọa sẽ chuyển sang sử dụng các hệ thống phóng thương mại nếu NASA không theo kịp tiến độ mới đặt ra cho kế hoạch tham vọng nói trên, ước tính trị giá hàng chục tỉ USD.

Đáp lại, ông Jim Bridenstine, quản trị viên NASA, cho biết cơ quan ông chấp nhận thách thức được chính quyền ông Donald Trump đưa ra. Tại cuộc điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ gần đây, ông Bridenstine cho biết NASA dự kiến phóng SLS - được thiết kế để mang phi hành gia và hàng hóa ra bên ngoài quỹ đạo trái đất - trong 2 năm tới. Tuy nhiên, sau thông báo trên của ông Pence, ông Bridenstine tin rằng NASA có thể phóng thành công SLS vào năm tới.

Chương trình Apollo của NASA đã tiến hành 6 sứ mệnh đưa con người lên mặt trăng trong giai đoạn 1969-1972. Ngoài Mỹ, đến nay, chỉ mới có Liên Xô và Trung Quốc tiến hành các chuyến hạ cánh "mềm" xuống mặt trăng nhưng đều sử dụng xe robot tự hành. Đáng chú ý là động thái đẩy nhanh kế hoạch đưa người trở lại mặt trăng của Mỹ diễn ra giữa lúc chính quyền ông Trump tìm cách đối phó năng lực vũ khí trên không gian của Nga và Trung Quốc.

Đọc thêm