Mỹ - Trung vẫn xung, vẫn khắc

(PLVN) - Sau 2 lần điện đàm với nhau, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc gặp trực tuyến đầu tiên gần 9 tháng sau khi ông Biden chính thức nhậm chức.

Đối với mối quan hệ song phương này, cuộc gặp cấp cao trực tuyến là sự kiện lớn bởi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc từ một vài năm nay, từ thời người tiền nhiệm của ông Biden cầm quyền ở Mỹ, đã trở nên rất căng thẳng và gay cấn.

Ông Biden lật ngược không ít quyết sách cầm quyền của người tiền nhiệm nhưng chính sách của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc lại được ông Biden không những tiếp tục về định hướng mà còn gia tăng mức độ quyết liệt trong xung khắc và cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện.

Thời điểm diễn ra cuộc gặp trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình không biết được ấn định ngẫu nhiên hay có chủ ý khi cả hai người bước vào cuộc gặp với thế mạnh được tăng cường về đối nội. Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được Đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho sự tôn vinh mà trong lịch sử đảng này đến nay mới chỉ dành cho hai lãnh tụ của họ là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình.

Ở Mỹ, ông Biden được lưỡng viện lập pháp thông qua chương trình tài chính quy mô rất lớn về đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội mà một trong những hiệu ứng chính của nó là tăng cường năng lực của nước Mỹ về kinh tế và công nghệ cao trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Bầu không khí chính trị cho sự kiện lớn này của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không được thuận lợi cho lắm khi chính quyền của ông Biden tiếp tục làm rất găng với Trung Quốc về dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền, về Đài Loan và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Nó được cải thiện chút với thoả thuận giữa Mỹ và Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực bảo vệ khí hậu trái đất đươc công bố bên lề hội nghị cấp cao năm nay của Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu trái đất (COP26) diễn ra ở thành phố Glasgow (Scotland, Anh).

Thỏa thuận ấy và cuộc trao đổi trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều muốn thể hiện ra bên ngoài là vẫn có thể và sẵn sàng tiếp xúc, đối thoại với nhau bất chấp xung khắc hay bất hoà với nhau đến mấy.

Bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại và khó khắc phục đến mức hơn 3 giờ gặp gỡ trực tuyến chưa thể đủ và bối cảnh tình hình chung trên thế giới, ở Mỹ và Trung Quốc hiện tại hoàn toàn chưa thích hợp để ông Biden và ông Tập Cận Bình có thể khắc phục chúng.

Cho nên không có gì bất ngờ khi hai người này mới chỉ thể hiện quan điểm của bên này cho bên kia biết chứ không đạt được thỏa thuận nào giúp khai thông hay đột phá trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nước sau sự kiện lớn này vẫn xung vẫn khắc với nhau như trước.

Dù vậy, sự kiện vẫn có ý nghĩa và tác động rất tích cực đối với hai bên, cuộc cấp cao trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình còn cho thấy hai bên chủ ý duy trì khả năng kiểm soát và quản lý diễn biến của mối quan hệ song phương, còn tiếp tục bất hòa và xung khắc với nhau nhưng không để mức độ quyết liệt vượt quá giới hạn.

Một thoả thuận được hai phía công bố khiến thế giới chú ý và có phần ngỡ ngàng là Mỹ và Trung Quốc nhất trí tiến hành trao đổi về giải trừ quân bị để gây dựng và bảo tồn sự cân bằng chiến lược, hàm ý ở đây là thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Nếu hai bên rồi đây thật sự thực hiện thỏa thuận này thì sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc chịu thương thảo về kho vũ khí hạt nhân của mình và từ nay khái niệm về cân bằng chiến lược được áp dụng cho cả ba bên là Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Việc cả hai phía đều chủ ý tránh tranh cãi và phê trách lẫn nhau mà thể hiện thân thiện cho thấy vào thời điểm nào đấy trong tương lai gần chứ không xa, ông Biden và ông Tập Cận Bình sẽ gặp lại nhau, trực tiếp chứ không cứ phải trực tuyến.

Đọc thêm