Năm 2020, TP HCM tiếp tục triển khai nhiều đề án quan trọng

(PLVN) - Ngày 6/1, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị trực tuyến với 24 quận, huyện để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Công tác quy hoạch và chỉnh trang phát triển đô thị tại TP HCM tiếp tục chuyển biến

Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,32%; năng suất lao động năm 2019 ước đạt 299,8 triệu đồng/người, tăng 6,8%, trong khi thu ngân sách đạt 412.474 tỷ đồng, tăng 3,3% so với chỉ tiêu kế hoạch.

Hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm được đánh giá tăng trưởng khá so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế TP tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,3%; khách quốc tế đến TP HCM đạt 8,5 triệu lượt; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỷ USD; thu ngân sách vượt dự toán 2,7%.

TP cũng đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu đặt ra trong năm 2019, trong đó chỉ tiêu không đạt được là chỉ mới thực hiện đăng ký 44.000/46.000 doanh nghiệp thành lập theo kế hoạch.

Việc triển khai chủ đề “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội” đạt nhiều kết quả; Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh đã hoàn thành giai đoạn 1, triển khai những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư… Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và chỉnh trang phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến, tạo diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại…

TP HCM xác định, năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, năm tổ chức nhiều sự kiện, trọng đại của đất nước và TP. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP năm 2020 đạt 8,3 - 8,5%, cả nhiệm kỳ đạt từ 8-8,5%.

Trong năm 2020, TP HCM sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều đề án quan trọng. Cụ thể, hoàn thành đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2021.

Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng TP HCM thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP. Hoàn thành xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM trình cấp thẩm quyền phê duyệt…

* Liên quan hoạt động của TP HCM, theo báo cáo của Sở Công Thương TP, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2019 ước tăng 7,9%. Bảy nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực với mức tăng IIP 7,68% so với năm 2018. Trong đó: Có 5/7 nhóm sản phẩm có mức tăng khá là: Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 8,6%), Sản phẩm thiết bị điện (tăng 15%), Sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin (tăng 24%), Sản phẩm đồ uống (tăng 7,4%), Sản phẩm Trang phục may sẵn (tăng 4,7%) so với năm 2018.

Bước vào năm 2020, nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và bốn ngành trọng điểm, Sở Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ sản phẩm chủ lực của TP gồm: Giải pháp về đất; Giải pháp về hỗ trợ vốn và đổi mới công nghệ; Giải pháp thu hút đầu tư lĩnh vực chế biến chế tạo; Giải pháp về hỗ trợ mở rộng, phát triển thị trường; Giải pháp hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó, các Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia cung ứng…

Nhằm hỗ trợ mở rộng, phát triển thị trường, Sở phát huy hiệu quả của việc giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài như tại Bangkok (Thái Lan) và Melbourne (Australia) năm 2019, đồng thời đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, tạo thị trường trong nước với các sản phẩm công nghiệp chủ lực và bốn ngành công nghiệp trọng điểm, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập để giữ vững thị trường và thúc đẩy sản xuất. 

Đọc thêm