Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính; tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan và cán bộ chủ chốt khối cơ quan Tổng cục và các cục hải quan địa phương.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 600 tỷ USD
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát chỉ đạo điều hành kịp thời của Chính phủ và Bộ Tài chính với quan điểm kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, phát huy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng với mục tiêu vừa đảm bảo triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch COVID-19, vừa tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo công tác quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong đó tập trung: tăng cường công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Nhờ đó các lĩnh vực công tác của Tổng cục Hải quan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chủ trì Hội nghị |
Nổi bật trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 600 tỷ USD. Đây là sự kiện tiêu biểu của ngành Hải quan, Bộ Tài chính nói riêng và của Việt Nam nói chung, góp phần làm cán cân thanh toán phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2011 Quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ: Ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 của Chính phủ về chính sách thuế đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 về việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19…
Quang cảnh Hội nghị. |
Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, ngành Hải quan chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc trực tiếp về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng…
Thông qua các biện pháp tạo thuận lợi trên, lực lượng Hải quan đã giải quyết thông quan nhanh chóng, thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đặc biệt đối với các lô hàng là vắc xin và các hàng hóa phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Ngành Hải quan thu ngân sách 370 nghìn tỷ đồng trong năm 2021
Về các kết quả nổi bật cụ thể, báo cáo của Tổng cục Hải quan đã nêu rõ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan và đồng đều trên phạm vi cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Đông Nam Bộ.
Điển hình, xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cục Hải quan Bắc Ninh đạt kim ngạch cao nhất cả nước với 153,14 tỷ USD (cập nhật từ đầu năm đến hết ngày 15/12), tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa làm thủ tục qua các cục hải quan thuộc 19 tỉnh, thành phố phía Nam tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 41% tổng kim ngạch cả nước.
Trong đó, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đạt 117,76 tỷ USD, tăng 7%; Cục Hải quan Bình Dương đạt 47,61 tỷ USD, tăng 17%; Cục Hải quan Đồng Nai đạt 35,31 tỷ USD, tăng 25%; Cục Hải quan Bà Rịa -Vũng Tàu đạt 21,29 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cục Hải quan Hải Phòng đạt 90,77 tỷ USD, tăng 30,8% và Cục Hải quan Hà Nội đạt 50,67 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước…
Từ đầu năm đến hết ngày 15/12, toàn ngành đã giải quyết thủ tục đối với 13,74 triệu tờ khai, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 7,11 triệu tờ khai, tăng 7,8% và nhập khẩu đạt 6,63 triệu tờ khai, tăng 5,1%.
Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu là 93.000 doanh nghiệp, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về thu ngân sách nhà nước, năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu 315.000 tỷ đồng, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu 335.000 tỷ đồng.
Với kết quả thu vừa qua, Tổng cục Hải quan ước tính năm 2021 toàn ngành thu được 370.000 tỷ đồng, bằng 117,46% dự toán, bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, năm 2021 (kỳ báo cáo từ 16/12/2020 -15/12/2021), lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 14.568 vụ, trị giá hàng vi phạm 2.709 tỷ đồng.
Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 14.200 vụ, thu nộp ngân sách gần 291 tỷ đồng; khởi tố 39 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 176 vụ.
Xây dựng thành công Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh
Về nhiệm vụ năm 2022, Tổng cục Hải quan xác định đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời thực hiện các Nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại. Trong đó tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại…
Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, tiếp tục bám sát, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống tội phạm.
Tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại địa bàn khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập. Chủ động phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời những vụ việc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để buôn lậu các mặt hàng tân dược, thiết bị y tế, sinh phẩm y tế và các loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2…
Cùng với đó, toàn Ngành phấn đấu, nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 là 352.000 tỷ đồng…