Mục tiêu của việc thực hiện chính sách BHNN trên cây lúa là nhằm hỗ trợ người sản xuất lúa chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về BHNN cho người nông dân, doanh nghiệp, từ đó từng bước tham gia BHNN để ổn định và phát triển sản xuất.
Khi tham gia BHNN, nông dân ở những vùng bị thiên tai hoặc dịch bệnh sẽ giảm nguy cơ rủi ro, có vốn để tái sản xuất. Đối với cây lúa, có 2 nhóm rủi ro được bảo hiểm là thiên tai (gồm: bão, lũ, lụt, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, sóng thần) và dịch bệnh (gồm: rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen). Tiêu chuẩn bảo hiểm về năng suất: nếu năng suất lúa thực thu của vùng tham gia bảo hiểm thấp hơn 75% so với năng suất bình quân của 3 vụ liền kề trước đấy sẽ được hỗ trợ bảo hiểm.
Trong quá trình tổ chức sản xuất, khi xảy ra các loại dịch bệnh thì ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương cũng như các hộ nông dân thực hiện biện pháp phòng trừ. Những chi phí về bảo vệ thực vật đối với cây lúa của vùng tham gia bảo hiểm khi xảy ra dịch bệnh, chi phí chữa bệnh cho lúa sẽ được hỗ trợ một phần với mức không quá 20% phí bảo hiểm. Mặt khác, triển khai bảo hiểm cây lúa cũng tạo cho người nông dân, các địa phương dần làm quen và chủ động với công tác bảo hiểm. Đây là giải pháp tốt mang tính lâu dài trong việc bảo đảm an sinh xã hội.