Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền sâu rộng về những tác hại của việc đốt rơm rạ, rác thải không đúng quy định.
|
Tỉnh Nam Định tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu, ngăn chặn kịp thời việc xả rác, đốt rơm rạ và phơi thóc trên đường giao thông. |
Hướng dẫn và phổ biến cho bà con nông dân các giải pháp xử lý rơm rạ phù hợp với điều kiện địa phương: tích lũy rơm rạ để trồng nấm, làm thức ăn cho trâu bò, phủ đất trồng rau màu, làm phân bón hữu cơ; vận động người dân thực hiện thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch và thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo quy định; thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình, vệ sinh môi trường chuồng trại, khu chăn nuôi; không xả rác, đốt rác bừa bãi; thường xuyên vệ sinh khu dân cư và nơi công cộng.
Rà soát các điểm đổ rác tạm, điểm tập kết rác có hiện tượng đốt rác; nghiêm cấm việc đốt rác thải công nghiệp tại các khu xử lý rác thải sinh hoạt; yêu cầu các cơ sở phát sinh rác thải công nghiệp có biện pháp thu gom, hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định.
Thành lập các đoàn kiểm tra xử lý kịp thời và kiên quyết các hành vi xả rác, đốt rác bừa bãi, tập kết đốt rơm rạ và phơi thóc trên mặt đường nhựa; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính và buộc bồi thường, khôi phục hiện trạng ban đầu, nếu gây hậu quả nghiêm trọng chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra, truy tố trước pháp luật.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hành vi liên quan đến việc đổ rơm rạ, phơi thóc trên các trục đường giao thông, xả và đốt rác không đúng quy định thuộc địa bàn quản lý.