Nam Định: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Nam Định giảm về số vụ nhưng còn diễn biến phức tạp về tính chất và mức độ thiệt hại, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để gây án.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo Sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của UBND tỉnh Nam Định.

Theo báo cáo, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Nam Định giảm về số vụ nhưng còn diễn biến phức tạp về tính chất và mức độ thiệt hại, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để gây án.

Từ 25/5/2020 đến 24/5/2021, toàn tỉnh xảy ra 45 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 11,34% tổng số vụ phạm pháp hình sự (45/397 vụ), giảm 4 vụ so với cùng kỳ (45/49 vụ = 8,16%), gây thiệt hại tổng số tiền gần 24 tỷ đồng, 4 xe ô tô, 5 xe máy, 13 điện thoại…

Báo cáo cho hay, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sử dụng phương thức, thủ đoạn “truyền thống”, lợi dụng mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với bị hại, lợi dụng tâm lý cả tin của bị hại để dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại, phổ biến là mượn tài sản (điện thoại, ô tô, mô tô...) rồi mang đi cầm cố; lừa xin việc làm, chuyển nhượng đất đai… để chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới nổi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua, bán phong lan đột biến.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp hơn qua không gian mạng với phương thức, thủ đoạn phức tạp, tinh vi rất khó khăn cho việc phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý.

Các phương thức, thủ đoạn lừa đảo điển hình như các đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại (chủ yếu là bị hại nữ) qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...) nhắn tin tâm sự, vờ yêu đương sau đó thông báo muốn gửi tiền, quà cho bị hại, rồi cấu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau (như cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt) vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Cùng với đó, các đối tượng thường giả danh là nhân viên bưu điện, ngân hàng gọi điện thông báo chủ thuê bao nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng quá hạn; hoặc giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án hoặc giả mạo cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương... thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, đe dọa, nhằm khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt.

Các đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) hoặc chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản của bị hại rồi nhắn tin, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho đối tượng sau đó chiếm đoạt; hoặc sử dụng các trang mạng xã hội đăng tải các video có nội dung dự đoán, “soi cầu” số lô, đề, đăng số điện thoại để bị hại tin tưởng liên hệ, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng sau đó đối tượng chiếm đoạt số tiền đó; hoặc gửi tin nhắn báo tin trúng thường lớn cho bị hại rồi đề nghị nộp tiền lệ phí nhận thưởng sau đó chiếm đoạt.

Báo cáo cũng cho biết, thời gian gần đây, nổi lên và diễn biến phức tạp là thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử: Lợi dụng nhu cầu đầu tư của người dân, các đối tượng dùng thủ đoạn xây dựng các website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn thưong mại điện tử, chứng khoán quốc tế (như Bigbuy24h, Bìnomo...) kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu...

Người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống. Khi người tham gia đạt một số lượng nhất định, chúng sẽ cho “sập sàn” hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi.

Thời gian tới, để trấn áp các loại tội phạm này, UBND tỉnh Nam Định đề nghị Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là những kiến thức mới cho cán bộ làm công tác ở các đơn vị thành viên nhằm nâng cao hơn nữa các kiến thức, trình độ nghiệp vụ, pháp luật phục vụ hiệu quả công tác.

Nam Định cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử, kinh doanh đa cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần phòng, chống tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động…

Đọc thêm