Xây dựng trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp
Thời gian qua người dân ở xã Nam Toàn, huyện Nam Trực rất bức xúc phản ánh về việc có nhiều hộ gia đình tự ý xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền địa phương lại mập mờ cho qua, gây ra nhiều vấn đề nhức nhối trong việc quản lý đất đai tại đây.
Anh T.V.T, một người dân sống tại xã Nam Toàn cho biết, “rất nhiều năm nay người dân vô cùng bức xúc trước tình trạng quản lý đất đai của chính quyền xã. Đất đai ở đây vốn là đất trồng lúa từ trước năm 1990 và đến nay địa phương vẫn chưa có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng đã có nhiều người dân tự ý xây nhà ở kiên cố trên đất này, mặc dù vậy chính quyền gần như làm ngơ không thấy có động thái xử phạt gì hay có xử lý thì cũng kiểu qua loa không nghiêm nên đâu lại vào đấy".
Thậm chí còn có tình trạng chính quyền xử phạt có “chọn lọc”, cụ thể như tại cùng 1 tuyến đường km 21, có hộ gia đình ngang nhiên xây nhà ở kiên cố nhưng có hộ gia đình lại bị ngăn cấm với lý do không được xây dựng trên đất lưu không. Điều này khiến nhân dân cảm thấy rất bất bình.
Qua tìm hiểu thu thập thông tin của phóng viên, khu vực km4, đường 55, xã Nam Toàn, trước đây là diện tích trồng lúa đã được UBND xã Nam Toàn giao cho xóm 9 sử dụng để khoán cho các hộ dân lấy hoa lợi. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng đất đã có trường hợp tự ý chuyển đổi, xây dựng trên đất nông nghiệp, tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Như Thiệu. Hộ dân này đã tự ý san lấp hàng 100m2 đất trồng lúa nhằm xây dựng nhà trông coi phục vụ cho việc kinh doanh xăng dầu, và vi phạm quy định về mục đích sử dụng đất đai.
|
Hộ gia đình ngang nhiên san lấp 1 phần diện tích đất trồng lúa để xây dựng nhà phục vụ việc kinh doanh xăng dầu. (Ảnh T.N) |
Ngoài hộ gia đình ông Thiệu, còn nhiều người dân trong xã Nam Toàn đã tự ý xây dựng trái phép mục đích sử dụng đất, như các hộ dân dọc tuyến đường km 21 tại xóm 1 xã Nam Toàn. Tuyến đường này có phần đất tiếp giáp với bờ sông, nhưng từ nhiều năm nay đã xuất hiện tình trạng “mọc” tràn lan công trình nhà kiên cố, thậm chí đã có hộ dân lấn chiếm xây nhà sát với kè sông làm ảnh hưởng tới hệ thống thoát nước của địa phương. Tuy vậy Chính quyền xã Nam Toàn đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định xử phạt vi phạm để hoàn trả lại hiện trạng đất ban đầu.
Có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương
Liên quan đến nội dung này, sau nhiều lần liên hệ làm việc, vừa qua phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Nam Toàn để làm rõ những phản ánh liên quan đến những sai phạm trên.
Ông Hoàng Ngọc Duy, Chủ tịch UBND xã Nam Toàn cho biết: “Công việc trong lĩnh vực đất đai rất là lớn và nhiều, trong khi đó cán bộ chuyên môn chỉ có 1 đồng chí nên việc đi sâu đi sát dưới cơ sở còn hạn chế. Hơn nữa khi người dân xây dựng thì không báo cáo với địa phương nên chúng tôi rất khó trong công tác quản lý”.
Trước hàng loạt dẫn chứng về những phản ánh vi phạm kéo dài khi người dân tự ý xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nằm tại địa bàn thì đại diện UBND xã cho biết có nhiều vi phạm chưa nắm được.
Về việc này Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận xét: Việc kiểm tra xác minh, làm rõ vi phạm và xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm về trật tự xây dựng là cần thiết để lập lại trật tự và sử dụng đạt hiệu quả. Đối với trách nhiệm của cán bộ địa chính cũng như Chủ tịch UBND cấp xã/phường, cơ quan chức năng sẽ xem xét có dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất đai hay không để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tràn lan và việc buông lỏng quản lý như trên, trách nhiệm lớn nhất là của chính quyền cấp cơ sở đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tham mưu trong việc xử lý đối với những vi phạm còn thiếu kiên quyết dẫn đến những sai phạm kéo dài, chậm được giải quyết.
Khoản 3, 4, Điều 6, Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ, hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 3 héc ta.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.