Nam Trung Bộ duy trì sản xuất, ổn định đời sống nhân dân

(PLVN) - Dịch COVID-19 đang lây lan nhanh tại các tỉnh Nam Trung Bộ, nhiều địa phương như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang triển khai giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế,
Tàu cá khai thác xa bờ của ngư dân cập cảng Đá Bạc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) để tiêu thụ thủy sản. Ảnh: Hải Lăng

Không để nông dân đơn độc

Đến đầu tháng 8, tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), tổng sản lượng cây ăn quả đã thu hoạch đạt hơn 7.100 tấn, trong đó 6.240 tấn sầu riêng, 700 tấn chuối, 60 tấn bưởi da xanh, còn lại là măng cụt, chôm chôm mít... Nhằm kịp thời hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm cho nông dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, UBND huyện Khánh Sơn chủ động lập phương án, đăng ký tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn với Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu trái cây Chánh Thu với tổng sản lượng khoảng 3.750 tấn đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP; tạo điều kiện thuận lợi cho người thu mua và người điều khiển phương tiện vận chuyển nông sản lưu thông giữa các vùng có dịch, các vùng có nguy cơ cao đi và đến huyện Khánh Sơn.

Tại tỉnh Phú Yên, trước tình trạng một số sản phẩm mang tính thời vụ phải tiêu thụ nhanh như dưa hấu, chuối, bưởi, rau xanh… gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cùng các địa phương đã kịp thời sẻ chia, hỗ trợ, giúp người dân vững tâm hơn. Ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An, gia đình ông Nguyễn Việt Dũng, có 1,2 ha dưa hấu với sản lượng 15 tấn đến ngày thu hoạch. Bình thường, người mua đem xe về tận ruộng mua, nhưng hiện nay hầu như không có người mua.

Nhờ Hội Nông dân xã An Lĩnh kết nối với hệ thống siêu thị Co.op Tuy Hòa và một số đơn vị như Công ty cổ phần Việt Thành, Quỹ Tâm Đức, gia đình ông Dũng đã bán hết 15 tấn dưa với giá 4.000 đồng/kg. “Dưa bán với giá này cũng đủ thu hồi được vốn và có lãi” - ông Dũng cho biết.

Nhiều ngày qua, chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lĩnh đã chủ động thống kê danh sách các hộ trồng dưa hấu và chuối đang sắp thu hoạch và giúp người dân bán hơn 30 tấn dưa, chuối, bưởi da xanh. Chị Phượng chia sẻ, “Hội Nông dân xã đang nắm số lượng và thời gian thu hoạch, để báo về Hội Nông dân huyện Tuy An lên kế hoạch tiêu thụ nông sản sớm cho từng hộ gia đình. Bởi nếu không bán kịp thì coi như bỏ đi, vì dưa hấu và chuối chín rất nhanh trong mùa nắng nóng”.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để nông nghiệp phát triển bền vững tại Ninh Thuận cũng được triển khai, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản tỉnh nhà, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phó Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Thanh Hà, Nguyễn Thị Ánh Đào cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị ưu tiên liên kết với các cơ sở, hộ nông dân tại địa phương để tiêu thụ rau, củ, quả… và cung ứng cho người tiêu dùng khá ổn định. Vì vậy, không còn tình trạng tồn đọng các sản phẩm của địa phương như trước đây.

Người dân xã An Lĩnh, huyện Tuy An (Phú Yên) tập kết dưa hấu tại ruộng nhờ vận chuyển đi tiêu thụ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, Sở đã chủ động phối hợp UBND các địa phương nắm bắt tình hình, tổng hợp sản lượng các loại nông sản, thủy sản đã thu hoạch và dự kiến thu hoạch trong thời gian tới, đánh giá khả năng tiêu thụ và khả năng tồn đọng đối với từng chủng loại, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch, hướng dẫn thu gom, đóng gói, bảo quản và vận chuyển an toàn đối với từng chủng loại nông sản, bảo đảm chất lượng, nhằm giảm hư hỏng, thiệt hại, theo hướng thu hoạch đến đâu thì tổ chức tiêu thụ ngay đến đó. Đồng thời, Sở phối hợp Sở Công thương và các sở, ngành liên quan, tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời cho người dân.

Giải pháp lâu dài giúp nông dân

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan triển khai giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực. Trước hết là khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đến vụ hoặc sắp vào vụ thu hoạch để có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả. Đồng thời, giao các ngành, đơn vị liên quan thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản đến người tiêu dùng…

Về lâu dài, Khánh Hòa tiếp tục phát huy hiệu quả việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh nội dung chuyển đổi cây trồng hiện đang có hiệu quả, tỉnh tiếp tục tăng cường một số nội dung khác như hỗ trợ chăn nuôi tập trung, giết mổ gia súc gia cầm tập trung…

Trong khi đó, tỉnh Bình Định tăng cường tuyên truyền, kêu gọi người dân tiêu thụ nông sản, thủy sản tại chỗ, tổ chức cung ứng nguyên liệu thực phẩm cho các khu cách ly, phối hợp các cơ sở sản xuất, các chợ, siêu thị, doanh nghiệp chế biến công nghiệp thực phẩm kịp thời tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và ngư dân, khuyến khích các cơ sở thu mua và tồn trữ nông sản, thủy sản. Đồng thời kêu gọi, kết nối các đầu mối ngoài tỉnh và xây dựng kế hoạch cung ứng ngay khi bảo đảm yêu cầu theo đúng quy định của Nhà nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cung ứng sản phẩm thiết yếu cho tiêu dùng không bị gián đoạn và tạo thêm thu nhập, giúp ổn định đời sống người dân. Hướng dẫn các địa phương tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Đối với các sản phẩm là rau xanh, củ quả, hiện nay chưa xảy ra tình trạng tồn ứ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết sẽ kết nối với các đại lý thu gom, các cơ quan, tổ chức, hội đoàn thể của tỉnh, các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh… kết nối, phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng.

Đối với các loại nông sản tươi, có sản lượng lớn như dưa hấu thì rà soát, tổng hợp sản lượng cụ thể, tổ chức kết nối với các đại lý thu gom, các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể của tỉnh, các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh... tổng hợp nhu cầu, phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng, hoặc tổ chức các điểm bán lẻ (cố định và lưu động), đồng thời tuyên truyền kêu gọi người dân trong tỉnh và kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ ngoài tỉnh để giải quyết sản lượng 15.000 tấn rau, củ, quả có khả năng bị tồn ứ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết, thời gian tới, để bảo đảm thuận lợi cho việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh trong điều kiện dịch COVID-19, Sở giao nhiệm vụ cho đơn vị chức năng hướng dẫn nông, ngư dân sản xuất đúng quy hoạch; thông tin kịp thời đến các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về tình hình dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, nhất là những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ hiện nay; khuyến cáo người dân nuôi, trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc.

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản về quy trình, kỹ thuật sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Thống kê khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản trên địa bàn tỉnh để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ các tỉnh khác khi cần thiết.

Đọc thêm