Nan giải bài toán nhân lực tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập

(PLVN) - Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đội ngũ cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã có trợ cấp đặc thù, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, tuy nhiên, chưa đáp ứng đúng với tình hình thực tế công tác quản lý tại các Cơ sở cai nghiện ma túy. 
Ảnh minh họa

Cùng với đó là những hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị khiến công tác quản lý người cai nghiện tại các cơ sở chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng người cai nghiện trốn khỏi cơ sở. 

Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, tại Cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang xảy ra vụ ẩu đả giữa các học viên cai nghiện. Cụ thể, Huỳnh Anh Khoa, Lê Minh Tuấn, Nguyễn Thái Phương (cùng ngụ TP Mỹ Tho) đang cai nghiện ma túy bắt buộc ở khu B, được người nhà thăm thì bỏ chạy vào bên trong kêu đồng bọn ở khu B ra hỗn chiến với nhóm đang cai nghiện của khu A. 3 người kể trên cùng người nhà dọa đánh bảo vệ, buộc bảo vệ phải mở cửa rào khu B cho một số người ra ngoài để tìm đánh người ở khu A.

Đang lao động thì bất ngờ bị tấn công, các học viên khu A bỏ chạy và sau khoảng 5 phút thì tìm được vũ khí để đáp trả. Lợi dụng lúc hỗn chiến, 17 người nghiện đã phá hủy nhiều tài sản của cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang rồi bỏ trốn. Sau trận hỗn chiến, 12 người bị thương, trong đó có 3 người gãy tay. Cơ sở đã đưa 11 người vào Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang và 1 người được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để điều trị vết thương.

Ông Phan Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, kiêm Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang cho rằng vì lực lượng bảo vệ tại chỗ quá mỏng, trong khi những người nghiện manh động nên đã dẫn đến tình hình phức tạp. Cụ thể, lực lượng bảo vệ, quản trại hiện có 78 người được trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ cần thiết. Trong khi đó, cơ sở có đến gần 600 người nghiện đang thực hiện cai nghiện theo các quyết định của tòa án.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, đội ngũ cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã có trợ cấp đặc thù, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, tuy nhiên, chưa đáp ứng đúng với tình hình thực tế công tác quản lý tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

Với đặc thù đối tượng quản lý là người nghiện ma túy, trong đó, gần 40% người cai nghiện có tiền án, tiền sự, 20% bị nhiễm HIV/AIDS, lao và các bệnh truyền nhiễm khác. Mặt khác, hiện nay xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tăng, người cai nghiện gây ra nhiều hành vi  phức tạp nguy hiểm, như “ngáo đá”, loạn thần, không làm chủ được hành vi; môi trường quản lý khó khăn do nhiều cơ sở còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Trên cơ sở đánh giá các nguyên nhân học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện, một loạt các biện pháp đã được triển khai như: Giảm tải cho sức chứa các cơ sở cai nghiện; nâng cấp cơ sở vật chất các hạng mục công trình; chú trọng công tác chuyên môn nghiệp vụ cai nghiện; tăng tỷ lệ học viên cai tự nguyện; tập trung chữa trị cho học viên loạn thần cấp do sử dụng ma túy tổng hợp; tích cực tuyên truyền chính sách của Nhà nước; nắm bắt tư tưởng, cải thiện bữa ăn và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần học viên; tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ; siết lại nội quy, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác bảo vệ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền nơi cơ sở cai nghiện trú đóng và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự các cấp; xử lý nghiêm người cầm đầu tổ chức trốn…

Việc tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở cai nghiện liên quan lớn đến đất đai, kinh phí, tổ chức biên chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, áp dụng các phương pháp cai nghiện tiên tiến, xây dựng cơ sở cai nghiện thân thiện, kiểu mẫu… đòi hỏi phải đổi mới cơ chế, chính sách, sự vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành, đặc biệt là đổi mới nhận thức về cai nghiện.

Đọc thêm