Nâng cao chuỗi giá trị, khẳng định vị thế Sen Đồng Tháp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cây sen có giá trị quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Đồng Tháp. Với sự quan tâm và phát triển đúng mức, tin rằng, chuỗi giá trị từ cây sen Đồng Tháp sẽ ngày càng nâng cao và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Ngày 21/5, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị từ sản phẩm Sen Đồng Tháp.

Phát triển xứng tầm vị thế cây sen

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển cây sen. Hiện, cây sen được trồng nhiều nơi trong tỉnh Đồng Tháp và đã mang lại hiệu quả và lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội rõ rệt. Tính đến 30/4/2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 331ha trồng sen thực tế và tổng diện tích quy hoạch vùng trồng sen được phê duyệt là 461ha, tập trung chủ yếu tại huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh, huyện Tân Hồng, huyện Lấp Vò… điều này cho thấy diện tích trồng sen đang có chiều hướng phát triển. Nhận thức được tiềm năng và giá trị của cây sen, từ năm 2007, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố biểu tượng của tỉnh có biểu tượng theo hình tròn cách điệu của hoa sen. Hàng năm địa phương đều tổ chức rất nhiều lễ hội văn hóa để tôn vinh giá trị của sen đồng thời quảng bá, xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen”, “Thủ phủ Sen” hay “Đất Sen Hồng”...

Nhiều món ăn được chế biến từ các bộ phận của cây sen, góp phần nâng cao giá trị của loại cây này.

Nhiều món ăn được chế biến từ các bộ phận của cây sen, góp phần nâng cao giá trị của loại cây này.

Tuy nhiên, đến nay cây sen Đồng Tháp vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, bởi có nhiều nhóm nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan. Theo những chuyên gia, nhà nghiên cứu về cây trồng, để cho cây sen Đồng Tháp phát triển xứng tầm, rất cần 1 loạt các giải pháp, trong đó có các giải pháp khoa học công nghệ .

PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, để phát triển và nâng tầm giá trị cây sen cần xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; Tuyển chọn và lai tạo được bộ giống sen mới, thích hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; Xây dựng cơ sở chuyên ươm tạo, nhân giống sen; Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen và các quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản, chế biến sâu về sen; Xây dựng các vùng/mô hình sản xuất sen có quy mô lớn để đảm bảo có thể sản xuất được cây sen theo tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn hữu cơ; Xây dựng một số mô hình sản xuất sen kết hợp với làm du lịch sinh thái; Tăng cường đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, cho ngành sen; Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “sen Đồng Tháp” cho sản phẩm cây sen Đồng Tháp và Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen.

“Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, trong tương lai không xa Đồng Tháp sẽ trở thành 1 vùng sản xuất sen lớn nhất cả nước, và khu vực, có chất lượng sản phẩm sen cao nhất, là điểm đến hấp dẫn của mọi du khách trong, ngoài nước, đúng với mong ước của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đồng Tháp”, ông Đông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hiện tỉnh đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội xoay quanh các giá trị từ cây sen. Cụ thể như xác định cây sen và các giá trị văn hóa từ cây sen là nhân tố quan trọng nhất để tạo lập và định vị hình ảnh Đồng Tháp; xác định cây sen và các giá trị kinh tế - xã hội là nhân tố quan trọng nhất góp phần thực thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. “Ngành khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Tháp cũng đã và đang tham mưu UBND tỉnh trong việc đưa khoa học và công nghệ đóng góp tích cực và quan trong trong việc phát triển chuỗi giá trị, danh tiếng sản phẩm sen thông qua các hoạt động như: Xây dựng và ban hành Đề án “Phát triển sản phẩm Đồng Tháp”; Dự án “Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý Đồng Tháp cho sản phẩm sen”; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sen”, ông Tài nói.

Sen đã trở nên gần gũi và gắn bó với người dân Đồng Tháp

Sen đã trở nên gần gũi và gắn bó với người dân Đồng Tháp

Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc giữ gìn và khai thác các tài sản trí tuệ liên quan đến sản phẩm, dịch vụ từ sen; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu thông thường cho sản phẩm, dịch vụ từ cây sen.

Phải tính toán đến “câu chuyện Sen Đồng Tháp”

Theo ông Tài, trong thời gian tới yêu cầu các đơn vị thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen nhằm khai thác giá trị kinh tế do Chỉ dẫn địa lý mang lại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm Sen Đồng Tháp. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như: Nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số mô hình sản xuất sen ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tốt, an toàn; Nghiên cứu, tuyển chọn giống sen chất lượng cao cho Đồng Tháp; Mô hình hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất và phát triển chế biến sản phẩm từ cây sen…

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn tất cả nông dân trồng sen, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen, không chỉ tạo dựng thương hiệu địa phương mà còn phát huy giá trị chuỗi ngành hàng sen của tỉnh. Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó, giờ đây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen, đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cây sen đã được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn và đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025.

Các bộ phận của cây sen đều được sử dụng làm thuốc để chữa bệnh

Các bộ phận của cây sen đều được sử dụng làm thuốc để chữa bệnh

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu, địa phương cần tiếp tục khai thác giá trị lễ hội mang lại, từ giá trị hữu hình đến giá trị vô hình để tiếp tục nâng tầm cây sen cũng như khẳng định thương hiệu Đồng Tháp – Đất Sen hồng. Đồng Tháp không phải là tỉnh duy nhất trồng sen, mặc dù thương hiệu sen đã gắn bó với địa phương từ lâu. Từ đó cần có những chương trình, kế hoạch phát huy giá trị sen nhiều hơn nữa và thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Trong thời gian tới, cần tính toán đến “câu chuyện Sen Đồng Tháp”

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cần đẩy mạnh kết nối chuyên gia về sen, các tour du lịch, lữ hành, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sen, đưa các món ăn về sen vào các nhà hàng, quán ăn tại Đồng Tháp; đa dạng hóa sản phẩm từ sen và cả việc tạo ra những giống sen mới; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, yêu mến Sen Đồng Tháp. “Sự thông minh của người trồng sen quan trọng hơn sự cần cù của người trồng sen. Nông dân gắn bó, liên kết với nhau nhiều hơn. Hội ngành hàng Sen của tỉnh ra đời sẽ là không gian chia sẻ với bà con trồng sen để tạo ra giá trị cao hơn”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Đọc thêm