Nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở về thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật

(PLVN) - Nhằm triển khai hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngày 15/12, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Triển khai các tiêu chí tiếp cận pháp luật góp phần thúc đẩy thi hành pháp luật và xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh tại cơ sở”.

Làm tốt công tác tham mưu

Tham dự Tọa đàm có bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình.

Các khách mời tham dự Tọa đàm

Đánh giá về tình hình triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) theo Quyết định 25 và Thông tư số 09 của Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai Quyết định 25, bà Ngô Quỳnh Hoa cho biết 100% các địa phương đã tham mưu ban hành văn bản của UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Quyết định này.

Nhiều địa phương đã tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, hoạt động cụ thể như tổ chức tập huấn cho các đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh (Long An, Cà Mau, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng,…); Cà Mau tổ chức cuộc thi viết, Bạc Liêu tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuẩn TCPL…

Thông qua kiểm tra thực tế cho thấy, các đơn vị đã xây dựng Kế hoạch riêng để triển khai nhiệm vụ, phân công cụ thể các công chức đầu mối thực hiện đánh giá, chấm điểm, theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu TCPL. Quy trình thực hiện đánh giá, công nhận bảo đảm quy định, hồ sơ, tài liệu kiểm chứng cho một số chỉ tiêu, tiêu chí tương đối đầy đủ. Một số địa phương đã bố trí kinh phí cho công tác này…

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như: một số địa phương còn đang lúng túng trong việc triển khai theo dõi, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu TCPL được phân công theo dõi. Một số chỉ tiêu, tiêu chí thiếu tài liệu kiểm chứng. Chưa quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí riêng cho công tác này.

Còn tại Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 2391/KH-STP ngày 23/12/2021 của Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022.

Sở Tư pháp đã lồng ghép tổ chức 45 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 4.500 lượt người nghe; phối hợp với Báo, Đài của tỉnh thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, quán triệt thực hiện Quyết định số 25 và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Tính đến nay xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL là 145/151 đơn vị cấp xã.

Để hướng dẫn về xã đạt chuẩn TCPL và huyện đạt chuẩn TCPL gắn với nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1723. Quá trình thực hiện Quyết định này, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, bà Ngô Quỳnh Hoa đánh giá đây là nhiệm vụ mới nên trong triển khai vẫn còn một số lúng túng, khó khăn nhất định ban đầu, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương chưa được bố trí riêng kinh phí cho việc triển khai nhiệm vụ.

Trong năm đầu tiên thực hiện còn lúng túng về việc lấy kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…; về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ đánh giá tiêu chí TCPL gắn với Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới…

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ

Với vấn đề nêu trên, dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Hoa cho rằng Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ để các địa phương nhận thức đúng, đầy đủ tinh thần, nội dung của văn bản. Tiếp tục hướng dẫn cụ thể những vấn đề còn khó khăn như về tài liệu kiểm chứng của mô hình điển hình về PBGDPL, hoà giải ở cơ sở…Về lấy kết quả đạt chuẩn TCPL để đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh, Bộ Tư pháp sẽ sớm tổ chức họp liên ngành với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất về vấn đề nêu trên….

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL – một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác TCPL, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hòa Bình Nguyễn Văn Sáu cho biết địa phương sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; bảo đảm gắn kết giữa công tác PBGDPL với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình

Tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong tư vấn, tham mưu triển khai công tác PBGDPL. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PBGDPL; nhận rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả….

Để công tác TCPL thực sự là đòn bẩy trong tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở, Phó Vụ trưởng Ngô Quỳnh Hoa cho rằng thời gian tới, chính quyền các cấp, đặc biệt cấp cơ sở cần tiếp tục nhận thức đúng, nhận thức đầy đủ về việc thực hiện chuẩn TCPL nhằm xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn TCPL là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai đánh giá chuẩn TCPL nói chung, đánh giá chuẩn TCPL gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh cần nghiêm túc, sát sao hơn nữa. Đặc biệt phát huy vai trò của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Quan tâm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, TCPL; đẩy mạnh việc tổ chức kiểm tra chuyên đề, chú trọng hướng dẫn các mô hình hay, hiệu quả, chú trọng sơ kết, tổng kết, khen thưởng…

Đọc thêm