Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên vùng dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng

(PLVN) - Dưới sự hỗ trợ của tổ chức ActionAid Vietnam (AAV) và Liên minh châu Âu, Dự án EC4 “Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số” tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, được triển khai trong 4 năm (từ tháng 7/2017 - 7/2021).
Bà con người dân tộc K'Ho chủ động tham gia vào các buổi sinh hoạt cộng đồng về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Dự án EC4 “Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho phụ nữ và thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số” do tổ chức AAV và Liên minh châu Âu đang triển khai thực hiện ở 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng từ tháng 7/2017 đến nay với nguồn vốn là 4 tỷ đồng.

Đây là vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ miền Bắc vào. Nhóm di cư này sống theo một cộng đồng riêng, vẫn giữ những phong tục tập quán cũ và ít giao tiếp với người bản xứ. Nhóm phụ nữ di cư tảo hôn hạn chế tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS, đặc biệt trong quá trình mang thai và sinh đẻ.

Bên cạnh đó, vùng còn tập trung một số đồng bào dân tộc Tày, Dao sinh sống, trình độ dân chí hạn chế và còn nhiều tập quán lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn có con sớm, sinh nhiều con…

Dự án được tổ chức vận hành thông qua y tế thôn, cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình, Hội liên hiệp phụ nữ và thành lập các nhóm cộng đồng tại 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng (huyện Lâm Hà), mỗi xã có 7 nhóm cộng đồng.

 Nhóm cộng đồng “Tự tin vào ngày mai” (thôn Thanh Bình, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) phổ biến kiến thức về SKSS cho chị em phụ nữ định kỳ hàng tháng.

Ngay sau khi Dự án được khởi động, các nhóm sinh hoạt cộng đồng đã được tổ chức các lớp tập huấn về quyền CSSKSS cho các thành phần, nhóm đối tượng là phụ nữ và thanh niêm trong độ tuổi từ 19 đến 60 tuổi…

Các chị em phụ nữ sẽ chủ động tham gia vào quá trình giám sát, phản hồi, tiếp thu kiến thức về sức khỏe sinh sản thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng và nêu ý kiến với trưởng nhóm nhằm góp phần cải thiện chất lượng các dịch vụ CSSKSS cho phụ nữ và thanh niên vùng dân tộc thiểu số.

Bà Triệu Thị Sa, Bí thư chi bộ, Trưởng nhóm phát triển cộng đồng “Tự tin vào ngày mai” (thôn Thanh Bình, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Những ngày đầu mới thành lập nhóm phát triển cộng đồng chỉ có 15 thành viên tham gia, đến nay tổng số thành viên đã nâng lên 26 người. Mỗi buổi sinh hoạt là một buổi thảo luận sôi nổi.

Các thành viên cùng nhau chia sẻ những khó khăn về sức khỏe sinh sản mà chị em phụ nữ gặp phải rồi cùng nhau bàn bạc, đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Sau khi tham gia hoạt động nhóm cộng đồng, nhận thức của các thành viên về các vấn đề như xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục… đều được nâng lên rõ rệt”.

Bên cạnh đó, dự án còn thiết lập phòng khám với máy móc, trang thiết bị y tế CSSKSS cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Hà với nguồn vốn gần 2 tỷ đồng.

 Phòng khám Đa Khoa Tân Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng) của Dự án EC4 được trang bị thiết bị hiện đại (siêu âm 4D) đã giúp nhiều chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số có cơ hội chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Người dân hiểu và đồng hành

Hàng ngày, chị Triệu Mùi Ghển (dân tộc Dao, thôn 8, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) luôn bận rộn chăm sóc con cái và lao động sản xuất nên ít có thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân. Khi nghe thông báo chiến dịch CSSKSS được tổ chức tại phòng khám Đa Khoa Tân Hà (thuộc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà), chị Ghển cùng với chị em trong thôn đã hào hứng tham gia.

“Qua tư vấn của bác sĩ, tôi cũng như chị em trong thôn biết được rằng phụ nữ có thể mắc nhiều bệnh phụ khoa. Qua đây, tôi cũng hiểu về cách phòng tránh một số bệnh và chủ động áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe để dừng lại ở 2 con”-chị Ghển chia sẻ.

Cũng giống như chị Ghển, nhiều chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đã ý thức được việc bảo vệ và nâng cao SKSS cho bản thân. Như chị Nguyễn Thị Hòa (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà), nhà cách phòng khám Đa Khoa Tân Hà gần 6 cây số, đường đi lại khó khăn nhưng vẫn đến thăm khám, tìm hiểu các phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Theo chị “người mẹ khỏe mạnh thì gia đình sẽ hạnh phúc”.

Theo thống kê từ Trung tâm y tế huyện Lâm Hà, năm 2017, số lượt điều trị bệnh phụ khoa chiếm tới 19,9 % tổng số lượt khám; trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉ lệ này nâng lên 38,1%.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ninh – Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà, Trưởng phòng khám dịch vụ chất lượng cao sản phụ của dự án EC4 chia sẻ, hướng dẫn kiến thức CSSKSS cho chị em vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Ninh – Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà, Trưởng phòng khám dịch vụ chất lượng cao sản phụ của dự án EC4 cho biết: “Hiện nay, nhận thức về sức khỏe nói chung và SKSS nói riêng của người dân vùng dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Không chỉ khám, tư vấn ở trạm y tế xã mà nhiều gia đình có điều kiện còn tới phòng khám Đa khoa, Trung tâm y tế huyện… để khám và tư vấn sức khỏe.  

Các vấn đề như tảo hôn, sinh con sớm, hôn nhân cận huyết thống đã được cải thiện đáng kể, bà con biết tới trạm y tế để tiêu chủng cho trẻ em, các cặp đôi yêu nhau biết tới độ tuổi nào được phép kết hôn…”.

Cũng theo bác sĩ Ninh, việc đầu tư trang thiết bị cho phòng khám tại Tân Hà trong dự án EC4 cũng góp phần nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ y tế cơ sở. Từ việc làm thay đổi nhận thức của người dân, phòng khám giúp cho việc phát hiện sớm các bệnh về SKSS cho chị em, làm giảm gánh nặng y tế cho tuyến trên.

Ông Đinh Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết: "Từ năm 2012, tổ chức AAC đã chính thức có mặt tại huyện Lâm Hà và đã phối hợp với UBND huyện Lâm Hà tổ chức triển khai thực hiện 5 chương trình, dự án, trong đó dự án EC4 bắt đầu từ năm 2017 tại 2 xã Tân Thanh và Đa Phượng – là 2 xã vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Lâm Hà. Với tổng mức hỗ trợ đầu tư cho 5 chương trình dự án của 2 xã từ năm 2012 đến nay là trên 14 tỷ đồng.

Từ khi triển khai thực hiện, dự án đã góp phần thay đổi nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, đến nay tỷ lệ đói nghèo huyện Lâm Hà chỉ còn 3,8%, trong vùng đồng bào dân tộc còn 5,8%".

Đọc thêm