Nào mình cùng đi… hát

(PLVN) - Những ngày qua, khắp các báo đài, trang mạng xã hội đều đồng loạt đưa tin về quán bar, karaoke Sunny Club – ổ dịch COVID-19 của Vĩnh Phúc. Đây là một trong những nguồn lây nhiễm COVID-19 đầu tiên trong đợt tái bùng phát này. 
Quán Sunny Club - nguồn lây COVID-19.

Không phải khi sự việc trở nên nghiêm trọng, chúng ta mới thấy những ẩn họa đằng sau dịch vụ karaoke, bar, club,… Khi một thói quen ăn sâu rằng đã nhậu là hát, rằng nhậu, karaoke mới “hết mình” mới thật lòng khi vui hay dễ “nói chuyện” trong các mối quan hệ…

Những ẩn họa khó lường

Có thể thấy, karaoke giờ đây đang trở thành một dịch vụ được rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng. Chả thế mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke “mọc lên như nấm” trong những năm gần đây. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước có hơn 30.000 cơ sở karaoke. 

Ở bất cứ đâu, karaoke luôn là một trong những tụ điểm ăn chơi “hot” và tụ tập đông người. Tuy nhiên, do số lượng các cơ sở karaoke quá đông khiến cho lực lượng chức năng không kiểm soát được. Hình thành tình trạng nhiều quán không có giấy phép kinh doanh, mở chui, cơ sở vật chất kém, không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy,… Chính điều này khiến các quán karaoke trở thành nơi có nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Một trong những nguy cơ tiềm ẩn nổi bật nhất hiện nay, đó chính là lây lan dịch bệnh. Trở lại với sự việc quán bar, karaoke Sunny Club tại Vĩnh Phúc, cho đến thời điểm hiện tại số người mắc COVID-19 từ nguồn bệnh ở đây vẫn đang tăng. Ta có thể thấy ngay được tính chất nguy hiểm của sự việc đối với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra căng thẳng.

Theo các chuyên gia dịch tễ, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các địa điểm tập trung đông người, trong không gian kín, không thông gió như quán bar, karaoke… là rất lớn. Nếu không may có ca mắc bệnh, dịch sẽ lây lan nhanh chóng sang nhiều tỉnh, thành phố, địa bàn khác nhau vì khách đến những địa điểm này không chỉ là người ở địa phương mà từ nhiều địa phương khác đến, thậm chí là khách nhập cảnh trong giai đoạn hiện nay. 

Và không chỉ có dịch COVID-19 mới là nỗi lo, việc lây các loại bệnh khác khi hát karaoke là điều hoàn toàn có thể. Với cấu trúc phòng dịch vụ karaoke khép kín như hiện nay khiến lượng vi khuẩn nấm mốc hiện diện trong không khí rất nhiều. Khi tiến hành xét nghiệm trong những phòng karaoke, các chuyên gia nhận thấy trong không khí có rất nhiều vi khuẩn hiếu khí và nấm mốc như Bacillus, Coccus, Sprillum… Các loại vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như uốn ván, sốt thương hàn, nhiễm khuẩn huyết, dị ứng và viêm nhiễm đường hô hấp.

Ngoài ra, micro - một thiết bị không thể thiếu trong phòng karaoke cũng tiềm ẩn những hiểm họa không ngờ. Tại nhiều nơi micro thường bị nhân viên phục vụ bỏ quên khi làm vệ sinh và trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh.

Theo nghiên cứu của Viện Pasteur TP HCM phân tích 3 mẫu micro từ 2 cơ sở dịch vụ giải trí karaoke cho kết quả: một mẫu micro nhiễm nấm men lên tới 41.000 con, hai mẫu còn lại có sự hiện diện của khuẩn Staphylococcus aureus - dòng khuẩn độc tính. Trong đó, khuẩn Saphylococcus aureus là vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội lây bệnh nguy hiểm, dễ lây lan khi sức đề kháng cơ thể yếu. Khi gặp da bị xước khuẩn này làm mủ gây nhiễm trùng trên da, qua đường miệng gây viêm loét miệng, loét họng.

Bên cạnh lây lan dịch bệnh, karaoke còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Minh chứng là liên tục các quán karaoke xảy ra hỏa hoạn trong thời gian qua. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phòng hát karaoke bị cháy nổ đó là do thiết kế phòng hát không đảm bảo an toàn về việc phòng cháy, chữa cháy. Thiết kế cách âm nên không gian trong và ngoài phòng hát rất kín, điều này khiến người bên ngoài phòng hát khó nhận biết đám cháy trong phòng hát và người bên trong phòng cũng không định hình được những mối nguy hại cháy nổ bên ngoài.

Đặc điểm của những phòng hát karaoke còn là nguyên vật liệu dễ cháy, các quán thường có lối đi nhỏ hẹp, ít lối thoát hiểm nên rất nguy hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Theo lời anh T.T.A (26 tuổi): “Tôi rất thích đi hát karaoke nhưng khi vào hát thì tôi ít chú ý đến lối thoát hiểm hay tính an toàn, vì khi đó mọi người đang vui nên không chú ý. Nhưng khi đọc báo thấy các sự cố cháy, nổ xảy ra trong quán karaoke ở các tỉnh, thành khác tôi mới giật mình và lo cho sự an toàn của mình”. 

Có thể thấy, cháy nổ luôn là mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người. Vậy nhưng nhiều quán karaoke lại coi thường điều đó, dẫn đến nhiều sự việc thương tâm. Rút kinh nghiệm, một số quán karaoke đã có ý thức trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm nhưng chưa thật sự hiểu rõ công năng dẫn tới sẽ không phát huy được hiệu quả khi xảy ra sự cố. Như một số quán bình chữa cháy xách tay được để trong góc nhằm tránh vướng lối đi. Một số quán có trang bị thang dây nhưng không có vị trí neo, móc để thả thang xuống...

Không chỉ có vậy, karaoke còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự. Từ những dịch vụ này, nhiều loại tội phạm hình sự có thêm “đất” sống. Các hoạt động kinh doanh “biến tướng” với hình thức đối phó ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều vụ trọng án xảy ra tại vũ trường, karaoke suốt nhiều năm qua cho thấy nguy cơ phát sinh các loại hình tội phạm hình sự tại các điểm kinh doanh nhạy cảm này ngày càng báo động. Phần lớn các vụ việc có đông đối tượng, nhiều thành phần tham gia, sử dụng hung khí gây phức tạp về an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.

Cháy quán karaoke tại phố Trần Thái Tông, Hà Nội.

Khi sự giải trí trở nên nghèo nàn

Với câu hỏi: “Khi tụ họp bạn bè, đồng nghiệp anh/chị thường đi đâu?” Có đến hơn 80% mọi người đều trả lời là đi hát karaoke. Theo lời chia sẻ của anh V.N (30 tuổi, nhân viên văn phòng): “Mỗi lần tụ họp bạn bè, bọn mình toàn có tiết mục đi hát karaoke, ai cũng thích và ai cũng vui, người thích hát thì hát mà không thích thì ngồi cổ vũ, uống bia. Nói chung đây là tiết mục không thể thiếu…”.

Thực chất dịch vụ karaoke hay những tổ hợp karaoke, bar, club,… đang trở thành “món khoái khẩu” thời nay. Ở TP Hà Nội, mấy năm gần đây đã hình thành lên những con phố được mệnh danh là phố karaoke như ven sông Tô Lịch, Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh, đường Láng, Hồ Tùng Mậu,... Lượng khách ra vào các điểm vui chơi, giải trí này luôn nườm nượp, nhất là vào các buổi tối cuối tuần, dịp nghỉ lễ, tết.

Đây có thể coi là một thú vui chơi, giải trí, thư giãn đối với nhiều đối tượng. Từ nam, nữ, già, trẻ,… ai cũng đều rất “đam mê” bộ môn này. Hễ cứ có các bữa tiệc đông người hay liên hoan công ty, tụ họp là sẽ có ngay hai tiết mục là ngồi nhậu và hát karaoke. Quả thực như vậy, người Việt dường như không biết làm gì khác ngoài nhậu nhẹt và karaoke mỗi dịp vui hay buồn.  Bởi một thói quen ăn sâu rằng đã nhậu là hát, rằng nhậu, karaoke mới “hết mình”, mới thật lòng khi vui hay dễ “nói chuyện” trong các mối quan hệ…

Có lẽ phần đông mọi người thích hát karaoke bởi karaoke giúp khuấy động bầu không khí, khiến cho mọi người sôi động hơn. Đây là điều mà ít các loại hình giải trí khác có thể làm được. Không ít đàn ông thì cho rằng, hát cho xả rượu, bia. Cũng có nhiều người coi karaoke như một thú vui, hát hò chỉ là phụ còn những góc tối của karaoke mới là chính. Chả vậy mà, nhiều người cứ nhắc đến karaoke là họ thấy phản cảm, tệ nạn.

Thật lạ, mỗi lần tụ họp bạn bè hay liên hoan công ty lại cứ phải giao lưu với nhau qua tiếng nhạc xập xình, muốn nói chuyện thì cứ phải ghé sát tai mới nghe thấy như vậy? Sao không thi thoảng có những buổi gặp gỡ nhẹ nhàng, nói chuyện với nhau mà cứ lúc nào cũng hát với hò? Khi mà hát thì ít, gào thét thì nhiều? Sao cứ phải là karaoke? Có phải cũng giống như nhậu, hát được xem là cho vui, xả stress, giải rượu, bia, thế mới “đủ bộ” vui hay còn bởi góc khuất nào khác?

Dường như, bên cạnh việc ẩn họa từ karaoke thì dưới góc độ văn hóa, nhiều người cho rằng người Việt mê karaoke là do chúng ta đang giải trí một cách nghèo nàn, tìm niềm vui chốc lát. Hay nói cách khác là chúng ta thiếu các loại hình giải trí. Dù rằng ngoài xã hội có đa dạng những cách giải trí khác thì chúng ta lại chỉ chọn ca hát làm niềm vui. Từ thành thị xuống thôn quê, từ người già đến người trẻ, từ người làm văn phòng đến buôn bán,… bất cứ bao giờ có dịp thì cũng vào karaoke, cầm micro lên và hát.  

Trong khi đó, như đã nói ở trên, ngoài karaoke còn rất nhiều cách khác để giải trí. Ví dụ như xem phim, uống cafe tâm sự, hoạt động ngoài trời cùng nhau, khu vui chơi giải trí, các câu lạc bộ,… Khi tham gia vào những hoạt động trên không những giúp mọi người hiểu nhau hơn, tăng độ tương tác với người khác mà còn giúp tăng độ liên kết cộng đồng. 

Đành rằng, karaoke ở nhiều nơi không hoàn toàn là xấu nhưng những ẩn họa từ karaoke thì rất rõ ràng. Chúng ta cần nhìn nhận lại về dịch vụ karaoke và cả thói quen tụ tập đi hát mỗi khi có dịp của người Việt. Bởi nhiều khi đằng sau thú vui lại là những ẩn họa đang ập đến mà ta không biết trước. 

Và nữa, theo các chuyên gia y tế, trong mùa dịch, ngay cả tụ họp hát karaoke trong gia đình, dẫu được xem là một thú vui lành mạnh cũng không nên. Bởi đây là không gian cho sự tiềm ẩn COVID-19 không kém gì ở môi trường công cộng, khi chúng ta tụ tập bạn bè, họ hàng…

Đọc thêm