Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, dịch cúm H5N1 trên gia cầm và sự gia tăng của căn bệnh sởi, sáng 23/2, Bộ Y tế đã tổ chức gấp Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm ở người và phòng, chống dịch sởi” với 63 tỉnh, thành phố, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Phòng bệnh vẫn là chủ yếu
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, nguy cơ lây lan dịch cúm A/H7N9 từ các tỉnh biên giới của Trung Quốc sang nước ta là rất lớn. Bởi vậy, công tác truyền thông tăng cường nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh là quan trọng. Để phòng, chống dịch bệnh, theo bà Tiến, cả hệ thống chính trị phải tham gia, nhất là chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội biên phòng ở các tỉnh vùng biên giới.
Để phát hiện sớm, cách ly các ca bệnh kịp thời, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế phải phối hợp ngay với Sở Tài chính, đề xuất Bộ Y tế trình Chính phủ xin kinh phí mua máy đo thân nhiệt để hỗ trợ công tác phát hiện dịch tại các địa phương. Các phòng xét nghiệm, Viện Pasteur, bên cạnh việc xét nghiệm tìm ra bệnh, cần nghiên cứu sự biến đổi của vi rút để kịp thời nghiên cứu, sản xuất vắc xin dự phòng. Trong hoạt động can thiệp, giảm mắc, truyền thông vẫn là quan trọng nhất.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành phòng, chống dịch bệnh để kịp thời phối hợp tìm giải pháp phòng, chống. Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Bộ sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra, đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra tập trung thanh, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành có đường biên giới với Trung Quốc (cả đường bộ, đường hàng không và đường sắt…), tập trung vào các cửa khẩu có nhiều gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc sang.
Về dịch bệnh sởi, bà Tiến cho rằng đây là một bệnh lành tính nhưng tốc độ lây lan rất nhanh, với những biến chứng rất khó lường, do sự chủ quan trong việc tiêm phòng và không biết cách chăm sóc bệnh nhân của mọi người. Bên cạnh đó, phải xem xét lại mô hình tiêm chủng. Theo bà Tiến, nên khởi động lại đội ngũ tiêm chủng lưu động tại nhà.
Còn theo TS Trần Đắc Phu, để hạn chế dịch sởi, bên cạnh việc triển khai tiêm phòng vắc xin cho các đối tượng trẻ em chưa được tiêm phòng và tiêm phòng chưa đủ mũi, phải lưu ý các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… là những địa phương không quản lý được số dân cư do lượng người đi lại, giao lưu, buôn bán rất đông.
Phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai ngành y tế và nông nghiệp
Theo quan điểm của Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam - TS Takeshi Kasai, nguy cơ dịch cúm gia cầm chuyển sang người là có, tuy chưa biết là khi nào nhưng tác động của nó sẽ rất lớn khi xảy ra điều đó. Tuy nhiên, ông cũng nhận định Việt Nam đã có đầy đủ năng lực phòng, chống, quan trọng Việt Nam sẽ triển khai thực hiện như thế nào.
Theo TS Takeshi Kasai, có 3 yếu tố quan trọng cần thực hiện: Thứ nhất, sự phối hợp liên ngành, trong đó có y tế và thú y bởi đây là một bệnh lây truyền từ gia cầm sang người, vì vậy nếu không có sự phối hợp tốt giữa hai ngành này, hiệu quả công tác phòng chống sẽ không cao; thứ hai, công tác truyền thông phải được tăng cường; thứ ba là vấn đề ứng phó nhanh, mọi hoạt động phòng, chống dịch phải được phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả.
Từ thực tế báo cáo của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hậu quả mà chúng ta đang hứng chịu đối với dịch sởi hiện nay là tồn tại của rất nhiều năm trước. Bởi vậy, không chỉ chú trọng trong việc tiêm phòng vắc xin sởi mà chúng ta phải lưu ý những vắc xin khác nữa, nhất là những vắc xin được tiêm chủng ít, nếu không hậu quả sẽ rất ghê gớm.
Về việc Bộ Y tế đề xuất việc khôi phục lại các đội lưu động len lỏi xuống các địa phương tiêm chủng, theo Phó Thủ tướng, đây là một chủ trương tốt nhưng tổ chức tiêm lưu động mà không có đội ngũ cấp cứu kịp thời, khi xảy ra tai biến cũng rất nguy hiểm. Bởi vậy, phải xem xét lại toàn bộ quá trình tiêm chủng, đồng thời triển khai có hiệu quả và làm rất cẩn thận để tránh các tai biến và hậu quả không đáng có về sau.
Trong công tác phòng chống cúm, theo Phó Thủ tướng, không nên thành lập quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra vì có tổ chức kiểm tra, các địa phương cũng không lo nổi, “quan trọng là ý thức và sự chủ động của cấp ủy địa phương trong hoạt động phòng, chống dịch”…, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Để đối phó với dịch cúm trên gia cầm và trên người, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, Bộ, ban ngành. Cụ thể, dịch cúm nào liên quan đến người thì cả ngành y tế và nông nghiệp cùng ngồi lại để bàn bạc tìm giải pháp phòng chống. Đối với đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành phòng chống dịch bệnh, theo Phó Thủ tướng, cũng có thể thành lập nhưng chỉ khi nào thật sự cần thiết, còn hiện tại chỉ cần phối hợp tốt trong mọi hoạt động.
Ngoài ra, kinh nghiệm trong hoạt động phòng, chống dịch cúm chúng ta cũng đã có, chỉ cần tổng hợp, chắt lọc xem kiến thức nào cần thì học hỏi, áp dụng cho phù hợp với tình huống và diễn biến của dịch bệnh. Về trang thiết bị, đặc biệt là máy đo thân nhiệt, các địa phương cứ rà soát lại xem thiếu, hỏng cụ thể thế nào rồi đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét kiến nghị lên Chính phủ. Căn cứ vào tình tình thực tế của địa phương, Chính phủ sẽ xem xét và phê duyệt.
Dịch chồng dịch…
Tại Hội nghị, TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết, gay go nhất hiện nay vẫn là dịch cúm A/H7N9. Tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 360 trường hợp (TH) mắc cúm A/H7N9, trong đó có 67 TH tử vong.
Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động và hệ thống giám sát chủ động trọng điểm của các tỉnh, thành phố trong năm 2013-2014 đã xét nghiệm 5.653 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng nhưng chưa phát hiện nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, theo TS Phu, Việt Nam không thể coi thường vì nguy cơ lây lan dịch bệnh qua đường biên giới là vô cùng lớn.
Cùng với dịch cúm A/H7N9, ông Phu cũng cho hay, Việt Nam đang phải đối mặt với dịch bệnh cúm A/H1N1 cả trên gia cầm và trên người. Về bệnh cúm A/H1N1 trên người, lũy tích từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã có tổng số 126 TH mắc, trong đó 64 TH tử vong tại 41 tỉnh, thành phố (trong 2 tháng đầu năm 2014, đã ghi nhận 2 TH mắc tại tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước và cả hai TH đều đã tử vong). Ngoài ra, dịch bệnh sởi cũng đã bùng phát, lây lan mạnh trên đối tượng trẻ em chưa được tiêm phòng và tiêm chưa đủ mũi…