Chùa Hang là tên nhân dân trong vùng thường gọi có nghĩa là chùa trong hang, ngoài ra nhân dân còn gọi là Chùa Giềng, trong văn bia của chùa có tên là Cảm Linh tự.
Chùa Hang trước năm 1945, thuộc xóm Đồng Chùa, làng Khuôn Trao, xã Định Biên trung, tổng Định Biên trung, châu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; trước năm 2000 thuộc xóm Đồng Chùa, xã Bảo Cường, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Lễ chính của Chùa Hang vào rằm tháng giêng hàng năm hay còn được gọi là lễ Kỳ Yên theo truyền thống dân làng đều lên chùa làm lễ cầu cho sự yên lành ấm no, hạnh phúc.
Mâm lễ tại chùa thường là chuối, oản, lễ chay bằng gạo nếp thơm ngon của làng quê. Trong phần lễ, thì nghi thức rước kiệu từ Chùa Hang ra Đình Quan đế là một phần rất quan trọng, dẫn đầu đoàn rước lễ là các đội Sư tử, rồng oai phong, rực rỡ sắc màu. Tất cả thể hiện sự thành kính của nhân dân với thần linh.
Trong ngày lễ hội có rước kiệu từ Đình Quan Đế về Chùa Hang, đoàn người có cờ, quạt, lọng tàn, các chủ lễ và các cụ già mặc trang phục khăn xếp, áo dài, các thanh niên khiêng kiệu mặc quần áo như quan binh ngày xưa cùng đó là lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Du khách thăm quan Chùa Hang |
Lễ hội Chùa Hang được tổ chức hàng năm vào cuối tháng giêng Âm lịch, gồm 02 phần: lễ và hội với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc, đời sống yên lành, hạnh phúc.
Phần lễ gồm: dâng hương lễ Phật trong chùa và đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của huyện. Phần hội thu hút đông đảo người tham gia với các trò chơi dân gian quen thuộc, mang đậm bản sắc dân tộc như: ném còn, đi cầu kiều, bắt trạch trong chum, bắn nỏ, chọi gà, kéo co.
Trò chơi ném còn tại hội chùa |
Không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên chùa Hang còn là một di tích gắn với một sự kiện lịch sử, là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc sau khi đi chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950), nơi đây đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia năm 2015.