Nét độc đáo Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư 2022

(PLVN) - Rạng sáng ngày 9/4, Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư 2022 tổ chức Lễ Rước nước từ sông Hoàng Long về Đinh Tiên Hoàng Đế cung lễ, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Video: Lễ Rước nước tại Lễ hội Hoa Lư 2022.

Dự Lễ Rước nước có: ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo huyện Hoa Lư; lãnh đạo xã Trường Yên cùng đông đảo bà con nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc tham dự Lễ Rước nước

Nghi Lễ Rước nước được khởi hành từ Đền Vua Đinh Tiên Hoàng đến giữa sông Hoàng Long. Sau khi vua Đinh băng hà, tục lệ Rước nước được duy trì về tế ở linh từ Hoàng Đế. Đây là dấu ấn rõ nét của tập quán cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là biểu tượng tình cảm thiêng liêng "Uống nước nhớ nguồn". Lễ Rước nước Thần Long về làm Lễ Mộc dục (bao sái Thánh tượng), cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu.

Đội hình rước nước gồm: sư tử dẫn đường; tiếp đến là 2 đội Rồng, 2 hàng cờ, phường bát âm, kiệu bát cống lớn có đặt hương án, bên trong kiệu là một bình sứ lớn, ngoài phủ vải nhiễu điều đỏ do 8 thanh niên trai tráng khênh. Đi sau kiệu là các quan khách và các kiệu bát cống có tán, lọng song hành, do các thiếu nữ khiêng và mang lễ vật hương, hoa, quả phẩm…

Nghi Lễ Rước nước được khởi hành từ Đền Vua Đinh Tiên Hoàng đến giữa sông Hoàng Long.

Đi bên mỗi kiệu là hai bô lão vận trang phục, mũ, hài theo kiểu quan đại triều và một vị trang phục Hoàng đế đi rước nước. Đi sau cùng là những bô lão, những đội tế nữ quan, trang phục xiêm hoa lộng lẫy và các đoàn thể, đông đảo nhân dân địa phương và du khách trẩy hội.

Khi đoàn rước ra tới bến sông, trên bờ trống, chiêng gióng lên từng hồi, kỳ lân, sư tử nhảy múa trên bờ sông. Loa truyền thanh đọc lời bình về Lễ rước nước. Dưới thuyền có đoàn thuyền Rồng lượn ba vòng quanh cây nêu, sau tiến sát cây nêu, trống nhạc nổi lên, vị Chánh tế thực hiện nghi thức tế lễ.

Thiếu nữ cầm bình khỏa nước, múc nước trong sạch, chuyển cho cụ cao niên, cụ cao niên chuyển cho lãnh đạo tỉnh đổ vào bình sứ đựng nước. Lấy nước đủ 9 lần. Lấy nước xong tiếp tục làm thủ tục tế lễ xin rước nước về Đền Đinh Tiên Hoàng Đế cung lễ và thuyền Rồng quay mũi vào bờ.

Các vị bô lão người Hoa Lư cho biết: Từ đầu thế kỷ trước cho tới nay mới có lệ các thôn nữ ra sông lấy nước thiêng về tế vua, bởi các thôn nữ ta xưa nay vốn chăm chỉ sớm khuya việc nông trang, đảm đang một nắng hai sương chăm bón gieo trồng.

Khi đoàn rước nước tới Đền Vua Đinh, nước thần được đưa vào trong nội cung và được đặt trang trọng trên án trước tượng Vua để bao sái tượng thờ và lau thần vị. Số nước còn lại để dâng lên bàn thờ Vua và sau ngày hội, nước được vảy tưới cho cây cối trước sân đền thờ vua và để dành một ít đến cuối năm.

Tục rước nước trong Lễ hội Hoa Lư đã có từ hơn một nghìn năm nay. Đây là nghi thức đặc biệt ý nghĩa gợi nhớ đến tích Rồng vàng xuất hiện trên sông đưa Bộ Lĩnh qua sông, cứu vua thuở sinh thời thoát lưỡi gươm dọa giết từ người chú là Định Dự. Từ đó, sau khi đăng quang Hoàng đế, nhớ ân nghĩa Rồng vàng, vua Đinh hằng năm xin rước nước từ dòng sông linh thiêng về tế ở Thái miếu, cầu Thần Long phù hộ độ trì quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, no ấm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư, Sở VH và TT cùng thực hiện nghi thức rước nước.

Truyền thuyết dân gian về rồng vàng, sông Hoàng Long, núi Cắm Gươm chất chứa những hoài niệm và sự lý tưởng hoá của cộng đồng dân tộc về “con rồng cháu tiên”, đặc biệt là về người anh hùng lập quốc, vị Hoàng đế họ Đinh cách nay đã hơn nghìn năm. Huyền tích này sẽ mãi còn mang đậm chất sử thi mà người đời sau vẫn tự hào, yêu thích...

Lễ rước nước hội truyền thống Cố đô Hoa Lư hàng năm biểu hiện một mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng lớn, bao hàm được những yếu tố: Linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đọc thêm