Tục "ngủ thăm" của người Mường
Ngủ thăm của người Mường |
“Ngủ thăm” là một tục lệ được truyền đời của các dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc như Mường Thái, Dao, Mông... Tuy nhiên, tập tục “ngủ thăm” này đã bị mai một và nhiều nơi không còn tồn tại. Nhưng với người dân tộc Mường ở Thanh Hóa và Hòa Bình, tục cạy cửa “ngủ thăm” vẫn còn được lưu giữ.
Các chàng trai đến tuổi cập kê đều biết rõ nhà nào trong bản có con gái lớn, đến tuổi trăng tròn. Các thiếu nữ ở độ tuổi trăng tròn cũng thường đốt đèn, mắc màn vào mỗi đêm, chờ đợi chàng trai đến ngủ thăm. Thường khi đèn sáng, là nhà cô gái chưa có ai vào ngủ thăm, lúc này chàng trai sẽ biết được tín hiệu, cạy cửa chui vào nhà. Nếu cô gái ưng thuận sẽ tự tay vặn nhỏ đèn, để các chàng trai khác biết đã có người "ngủ thăm". Tuy nhiên, hai người chỉ được trò chuyện, tâm sự ở tư thế chung chăn, chung gối mà không được chạm vào người nhau. Sau vài đêm “ngủ thăm” tìm hiểu, nếu cô gái đồng ý, chàng trai sẽ mang lễ vật bạc trắng, lợn béo sang nhà cô gái thưa chuyện.
Tục kéo vợ của người Dao đỏ,người H’Mông
Kéo vợ của người Dao |
Giữa lưng chừng những vách đá còn phủ mờ sương sớm, các chàng trai, cô gái người Dao đỏ, H’Mông dường như đã hẹn từ trước, họ ngồi bên nhau, nhìn nhau, trao nhau những lời nói yêu thương, hứa hẹn, tình tứ. Thế rồi, trời ngả bóng về chiều, dường đã hiểu nhau hơn, chàng trai cùng với bè bạn của mình bắt đầu “kéo” người mình yêu về làm vợ. Theo cái lý của người Dao, không phải kéo vợ là cứ thấy cô nào xinh xắn, giỏi giang, muốn lấy làm vợ thì kéo về nhà mình. Trước khi diễn ra lễ kéo vợ, đôi nam nữ đã có thời gian tìm hiểu nhau rất cặn kẽ, rồi ưng nhau. Kéo vợ chỉ là cái tục “buộc phải có” để người con gái chính thức bước chân về nhà chồng.
Sau khi bị “kéo” về nhà chàng trai, cô gái được giữ ở lại trong nhà 3 ngày và vẫn sinh hoạt bình thường, được cha mẹ chàng trai xem như con cái trong nhà. Hết thời hạn 3 ngày, nếu cô đồng ý thì thông báo cho bố mẹ đến làm thủ tục cưới, còn nếu không ưng thì lại trở về nhà.
Tục “vỗ mông” kén vợ của người Mông
Tục lệ "vỗ mông" của người Mông |
Thanh niên thường đi thành tốp nữ, tốp nam. Trong khi các chàng trai trổ tài, chứng tỏ sức mạnh qua các trò chơi kéo co, đẩy gậy, thổi sáo, múa khèn… thì các cô gái lại xúng xính trong quần áo mới đầy hớn hở nhưng không thiếu vẻ đằm thắm, dịu dàng. Họ cũng không quên đưa mắt chọn lựa người trong mộng cho mình.
Khi ánh mắt tình tứ đã tìm thấy nhau, cô gái nhẹ nhàng, kín đáo tách khỏi đám đông. Chàng trai hiểu ý bước theo tiếp cận, dùng tay vỗ vào mông “đối tác” của mình rồi buông lời tâm tình, đường mật.
Ưng bụng, cô gái quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai đáp lại tình cảm. Cứ như thế, đôi trai gái vừa đi, vừa vỗ qua vỗ lại trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ “chín cặp” (tức là hai bên đã chấp thuận nhau, chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng).
Tục chọc sàn của người Thái
Tục lệ chọc sàn của người Thái |
Nhà của người Thái gian đầu thờ tổ tiên, gian tiếp bố mẹ ngủ, rồi đến gian con trai, con gái. Tuy nhiên, do hồi hộp trong đêm tối nên cũng có khi chàng trai chọc nhầm vào chỗ ngủ của… bố mẹ cô gái, và lúc đó chàng sẽ được nhắc: “Nhầm chỗ rồi cháu ơi!”
Đêm sau, nghe tiếng pí (Pí là một loại nhạc cụ dân tộc của người Thái) là nàng biết liền. Sau ba bốn đêm chuyện trò như thế thì chàng trai hỏi cô gái có nhất trí làm vợ mình không. Cô gái đồng ý, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ đến hỏi.
Sau đó là giai đoạn ở rể, chàng trai ăn ngủ, làm lụng tại nhà Ải mắt (bố vợ). Khi đó đôi lứa đã gần nhau nhưng vẫn ngủ riêng. Nhanh thì ba ngày, lâu thì một tháng sau bố mẹ chàng trai đi hỏi cưới. Sau đám cưới, đôi lứa mới chính thức là vợ chồng, được chung chăn nệm với nhau, sinh con để cái./.