Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, khả năng cân đối của quỹ BHXH sẽ được kéo dài hơn

(PLO) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 187 Bộ luật Lao động 2012 theo hướng điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng, việc điều chỉnh này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới Qũy bảo hiểm xã hội (BHXH).
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu diễn ra ở Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Trần Đình Liệu, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Nếu tăng tuổi nghỉ hưu quỹ sẽ tăng thêm do tăng số tiền đóng vào quỹ tương ứng số năm tăng tuổi; tăng số tiền quỹ chưa phải chi lương hưu do người đó chưa hưởng lương hưu; tăng lãi đầu tư do quỹ chưa phải chi những khoản nêu trên. 

Ngoài ra, có thể có tác động chi của quỹ khi chi trả lương hưu hàng tháng cao hơn vì người lao động hưởng lương hưu muộn hơn thì tỷ lệ hưởng lương hưu hoặc trợ cấp một lần khi nghỉ hưu sẽ cao hơn. Nói chung, về tổng thể thì khi tăng tuổi nghỉ hưu, khả năng cân đối của quỹ BHXH sẽ được cải thiện kéo dài hơn”. 

Về tổng mức đóng – hưởng BHXH, ông Trần Đình Liệu cho biết thêm: “Tổng mức đóng vào các quỹ BHXH hiện nay là phù hợp (tương đồng với các nước trong khu vực). Tuy nhiên, về mức hưởng cần xem xét tính toán điều chỉnh lại cho phù hợp. Chẳng hạn ở Thái Lan mức hưởng lương hưu tối đa của họ chỉ khoảng hơn 40% mức đóng BHXH, trong khi của ta mức hưởng tới 75%.

Theo BHXH Việt Nam tính toán, đúng ra với mức đóng và tỷ lệ đóng như hiện nay thì mức hưởng lương hưu của người Việt Nam chỉ khoảng 55- 60%, nhưng chúng ta đang thiết kế mức hưởng tối đa 75% nên mất cân đối. Việc điều chỉnh giảm mức hưởng của người lao động rất khó nên phải có sự điều chỉnh giảm thời gian hưởng lương hưu bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu lên.

Theo một số thông tin chúng tôi tham khảo, các nước trong khối ASEAN, khi tuổi thọ bình quân tăng họ đều có chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên tương ứng nhằm đảm bảo giữ vững ổn định quỹ hưu trí. Chẳng hạn Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia, Thái Lan (quy định 60 tuổi cho cả nam và nữ); Singapore quy định 62 tuổi cho cả nam và nữ. Trong khu vực châu Á còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, quy định 65 tuổi cho cả nam và nữ”.

Cũng theo ông Trần Đình Liệu, thực tế về quy định đối với điều kiện hưởng chế độ hưu trí hiện nay tuổi nghỉ hưu chỉ khác nhau ở 3 nội dung chính: khác nhau giữa nam và nữ (chênh lệch 5 tuổi), khác nhau do điều kiện lao động năng nhọc, nguy hiểm, khu vực khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn người làm việc trong điều kiện lao động bình thường; khác nhau giữa lực lượng vũ trang khác với khu vực dân sự do đặc thù nghề nghiệp, chứ chính sách không phân biệt tuổi nghỉ hưu giữa khu vực nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

Nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối về tuổi hưởng lương hưu bình quân của các khu vực này chủ yếu do chính sách lao động và việc làm, tính chất công việc. Khu vực nhà nước thường ổn định về lương, về chế độ; nếu không vi phạm gì thì cứ đến tuổi là nghỉ hưu, còn khu vực ngoài nhà nước thì có nhiều biến động hơn (có việc thì dùng nhiều lao động, không có việc thì cho nghỉ; người làm được việc thì dùng, người làm kém hiệu quả thì cho nghỉ…) nên tuổi nghỉ hưu thực tế của mỗi thành phần người lao động cũng khác nhau, nếu khó khăn trong điều kiện làm việc thì họ sẽ nghỉ hưu sớm.

Điều tất yếu là khu vực nào nhiều người nghỉ hưu sớm thì quỹ giảm thu và tăng chi trả dẫn đến quỹ dễ mất cân đối hơn. Do đó, để hạn chế mất cân đối quỹ thì chính sách phải đồng bộ nhiều điều kiện và quan trọng là nghỉ hưu phải đúng nghĩa là hưởng chế độ tuổi già thì quỹ hưu trí mới đúng nghĩa là quỹ dài hạn. 

Đọc thêm