Nếu trong 10 tiếng chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19, các địa phương nhắn tin báo ngay cho BCĐ TP Hà Nội

(PLVN) - Đó là phát biểu đề xuất của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng trong cuộc họp BCĐ phòng chống COVID-19 Hà Nội chiều 3/2.
Ảnh minh họa: VnExpress
Ảnh minh họa: VnExpress

"Từ khi phát hiện F0, tối đa trong 10 tiếng trả kết quả xét nghiệm F1. Nếu chậm trả kết quả, các địa phương nhắn tin báo cáo ngay cho BCĐ TP Hà Nội và ngược lại địa phương chậm nộp mẫu xét nghiệm cũng sẽ phải giải trình”, ông Chử Xuân Dũng cho biết.

Đề xuất cấm hoàn toàn không gian quanh hồ nếu có bắn pháo hoa trong đêm giao thừa ở hồ Gươm

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, đến 14h ngày 3/2, Hà Nội ghi nhận 21 mắc mới tại cộng đồng. Trong 4 ngày qua, Hà Nội làm gần 40.000 mẫu xét nghiệm và tất cả các trường hợp F0, F1 đều được trả kết quả ngay. Các đơn vị đã khẩn trương xác minh được 757 trường hợp F1, tất cả đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả có 17 mẫu dương tính; 711 mẫu âm tính lần 1; còn 29 đang chạy xét nghiệm.

Đối với 17.502/17.884 người về từ vùng dịch Hà Nội cũng đã xét nghiệm. Trong đó có 4 mẫu dương tính, 17.498 mẫu âm tính; còn 3.42 mẫu mới lấy trong ngày đang tiếp tục được xét nghiệm.

Ông Hạnh nhấn mạnh, chúng ta cần bình tĩnh để xác định rõ cách làm: “Anh em y tế là người có chuyên môn cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương thế nào là F1, F2 cho chính xác. F1 là tiếp xúc trong khoảng 2m. F1 phải cách ly tập trung. F2 cách ly tại nhà và phải lấy mẫu xét nghiệm. F3 theo dõi chặt chẽ sức khỏe tại nhà. Tránh tình trạng quá lo lắng, làm công việc rối”

Đối với việc xử phạt các vi phạm về phòng chống dịch các quận huyện báo cáo, trong ngày đều đã tăng cường xử phạt, chủ yếu là các trường hợp không đeo khẩu trang. Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đề xuất TP cho phép dừng hoạt động phố đi bộ quanh hồ Gươm ngay từ tuần này để chủ động phòng dịch bởi thực tế số lượng người đến không gian này cũng ít trong thời gian qua. Trong đêm giao thừa nếu có bắn pháo hoa ở hồ Gươm, Hoàn Kiếm đề xuất TP cấm hoàn toàn không gian quanh hồ để đảm bảo an toàn.

21 ca mắc Hà Nội đã xác định rõ chuỗi lây bệnh

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho hay, với 21 ca mắc Hà Nội đã xác định rõ chuỗi lây bệnh và nếu tiếp tục khoanh vùng, truy vết sẽ kiểm soát tốt tình hình.

Phó chủ tịch cũng ghi nhận CDC Hà Nội đã nỗ lực cùng các bệnh viện hoàn thành công tác xét nghiệm giúp Hà Nội bắt kịp tốc độ lây lan của COVID-19.

Đồng thời ông Dũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm và yêu cầu rõ: “Từ khi phát hiện F0, tối đa trong 4 tiếng, mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1 phải chuyển về CDC. 6 tiếng sau CDC phải trả kết quả cả âm tính và dương tính bởi nếu âm tính sẽ giải phóng được F2, giảm gánh nặng cho địa phương. Nếu chậm trả kết quả, các địa phương có thể nhắn tin báo cáo ngay cho BCĐ TP Hà Nội và ngược lại địa phương mà chậm nộp mẫu xét nghiệm cũng sẽ phải giải trình”

Xoay quanh vấn đề phong toả, Ông Chử Xuân Dũng nêu rõ quan điểm của TP Hà Nội không làm tràn lan mà cần dựa trên cơ sở khoa học và phân tích: “Phong tỏa diện rộng thì an toàn cho chúng ta nhưng người dân rất khổ. Phong tỏa rộng mà ở trong lỏng lẻo thì còn nguy hiểm hơn. Phải khoanh vùng phong tỏa chính xác, an toàn”.

“TP Hà Nội sẽ mở rộng diện xét nghiệm ở một số vùng có nguy cơ. Các đơn vị phải chủ động chuẩn bị vật tư; thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ chủ động phối hợp với các địa phương khác, đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển người đến khu cách ly” -  ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cũng đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải về việc xe buýt Hà Nội phải giảm 50% công suất, mỗi chuyến chỉ được chở không quá 20 khách để đảm bảo khoảng cách phòng dịch.

Đọc thêm