Ngã ba Đồng Lộc: Chuyện chép ở miền bất tử

(PLVN) - Từng được mệnh danh là “túi bom, chảo lửa”, Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) ngày nay hồi phục diệu kỳ, mang theo những âm vang của một thời kháng Mỹ cứu nước. Huyền thoại Đồng Lộc vẫn còn đó và người dân nơi đây vẫn nhắc đến những câu chuyện linh thiêng nơi ngã ba lịch sử và 10 cô gái năm nào.
Đến Đồng Lộc để thấy được giá trị hòa bình ngày hôm nay.
Đến Đồng Lộc để thấy được giá trị hòa bình ngày hôm nay.

Một quá khứ bom đạn

Về Đồng Lộc trong một sớm đầu năm, mới thấy ở đây bình yên đến lạ. Con đường đến thẳng ngã ba Đồng Lộc đã được sửa sang, khu vực này cũng đã quy hoạch phát triển thành khu di tích với nhiều khu vực để khách du lịch có thể đến tham quan: Khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP), Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc, Cụm tượng 10 nữ TNXP và nhiều công trình văn hóa tâm linh khác đang được đầu tư xây dựng, mỗi năm đón hàng ngàn lượt khách du lịch đổ về. 

Đồng Lộc ngày nay thay da đổi sắc, yên bình và tĩnh mặc. Từ khu mộ của 10 cô nhìn lên, những đồi thông xanh tốt đến ngỡ ngàng, hai bên trồng hai cây bồ kết nay đã cao lớn sai quả. Cũng tại mảnh đất Can Lộc này, cuộc sống người dân ngày một phát triển hơn, ghi dấu ấn với những sản phẩm đặc trưng như cam Thượng Lộc hay vị rượu nếp cay nồng. 

Sự bình yên ấy khác hẳn với quá khứ bom đạn ở nơi này cách đây hàng chục năm. Vị trí chiến lược của Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, giữa tinh thần thép của các lực lượng bảo đảm giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh và bom đạn của kẻ thù. Mảnh đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ của không quân Mỹ.

Theo các tài liệu ghi lại, trong 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), không quân Mỹ đã tập trung mọi phương tiện chiến đấu tinh túy nhất đánh vào khu vực Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, thả gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két và đạn 20mm. Tổng số lần địch đánh phá khu vực Ngã ba Đồng Lộc bằng với tổng số lần địch đánh vào toàn tỉnh Hà Tĩnh trong năm 1965, nhưng về số lượng bom đạn thì tăng gấp đôi. Bình quân một tháng, địch đánh phá 28 ngày, ngày cao nhất là 103 lần chiếc máy bay với trên 800 quả bom. 

Bộ đội, thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
 Bộ đội, thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.

Bao xương máu hy sinh ở Đồng Lộc để hóa lịch sử, bao con người đã mãi nằm lại nơi đây để Đồng Lộc hồi sinh kỳ diệu. Những câu chuyện ngẫu nhiên nơi vùng đất linh thiêng này, người ta kể mãi không hết. Mọi người truyền tai nhau đôi ba sự trùng hợp, ghép lại với nhau tạo nên những giai thoại ly kỳ. Nơi “ngã ba tử” ấy, là tụ điểm quân Mỹ tập trung ném bom, lịch sử ghi lại rằng có ngày Mỹ ném lên cả trăm lượt.

Đất Đồng Lộc bị cày xới đến điêu tàn, người ta bảo, nơi đó chính là nơi da thịt đối đầu với mưa bom bão đạn. Sự hy sinh của 10 cô gái cùng với anh linh của các chiến sĩ đã ngã xuống tại mảnh đất này, có lẽ đã làm nên linh thiêng Đồng Lộc, để thế hệ sau vẫn nhắc mãi câu chuyện của họ, nhắc mãi về cái tên của Ngã ba đã làm nên huyền thoại. 

Không ít người kể về trường ca Đồng Lộc, không ít trang văn sử sách nhắc đến ngày mà 10 có gái tuổi đôi mươi anh dũng hy sinh. Người ta cũng lưu truyền với nhau những chuyện tâm linh tại nơi Ngã ba địa hào này. Trong mỗi hồi ký được các nhân chứng ghi lại, đâu đó có sự trùng hợp đến lạ kỳ, không rõ là điều vô tình hay sắp đặt, nhưng cũng để lại cho thế hệ sau những vấn vương không dứt.

Những câu chuyện tâm linh kì lạ

Trong bút ký “Linh thiêng Đồng Lộc”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú ghi lạ: “Đoàn chúng tôi thắp hương trước mộ 10 cô. Chú lái xe thắp một bó hương to và chia ra cho mỗi người. Kì lạ thay bó hương của tôi và nhà thơ Nguyễn Hồng Hà ngẫu nhiên có chung một con số 13, nghĩa là chúng tôi thắp ba nén hương trước linh hương chung sau đó còn mười nén hương khác đủ chia đều cho mười ngôi mộ”.

Một chuyện kỳ lạ khác, khi đoàn vào thăm nhà bảo tàng, tự nhiên ông và nhà thơ Nguyễn Hồng Hà tách đoàn đi thẳng ra hố bom nơi các cô hy sinh, trùng hợp gặp mấy cháu bé bán hương như đang chờ sẵn họ ở đó. Sau khi thắp hương và cắm xuống hố bom ngước nhìn lên thì họ nhận ra tấm bảng đề dòng chữ "16 giờ ngày 24 tháng 7 năm 1968 mười cô gái đã hi sinh ở đây".

Tác giả Nguyễn Ngọc Phú ghi lại: “Trong bất giác, tôi nhìn đồng hồ, đồng hồ lúc đó chỉ 16 giờ 2 phút. Nghĩa là lúc cắm hương xuống hố bom đúng 16 giờ”. Những sự trùng hợp ngẫu nhiên đó, cũng là cảm hứng để nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú sáng tác nên tác phẩm đầu tiên là "Trẻ con ở Đồng Lộc", sau này thành chương ba trong trường ca "Ngã ba Đồng Lộc".

Là một người con sinh thành tại mảnh đất Hà Tĩnh, NSƯT Tố Nga – người thể hiện ca khúc “Cúc ơi!”, luôn tâm niệm sâu sắc với vùng đất Can Lộc này. Nữ ca sĩ cũng từng có những cảm nhận rằng, thời điểm quay MV cho ca khúc tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc để tri ân 10 cô gái đã ngã xuống, NSƯT Tố Nga luôn cảm thấy như được ai đó “giúp đỡ”.

Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng cho sự anh dùng, kiên cường của bao thế hệ TNXP, chiến sĩ.
Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng cho sự anh dùng, kiên cường của bao thế hệ TNXP, chiến sĩ.

Theo dự tính, ê-kíp sẽ cần 2 ngày quay để hoàn thành MV, nhưng đoàn phim đã phải kéo dài đến 4 ngày vì thời tiết đổ mưa. Tưởng rằng “trời không chiều lòng người”, nhưng NSƯT Tố Nga bỗng nhận ra dường như “trời luôn mưa… đúng lúc cần”.

NSƯT Tố Nga kể lại, đoàn phim quyết định quay trong mưa; quả thực, những cảnh quay dưới mưa như khi NSƯT Tố Nga thả hoa trên sông, khi chị Cúc hồi nhỏ đứng nhìn theo mẹ đi lấy chồng... truyền tải đến một cảm giác xúc động lạ kỳ. Cũng trong thời gian thực hiện MV này, cô đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, quan tâm cũng như ân tình mà người dân dành cho ekip.

10 cô gái hy sinh, người ta cũng kể cho nhau nghe về con số 10 huyền thoại.  Chị Yến, nguyên Phó Ban quản lý khu di tích, người có rất nhiều công lao sưu tầm các hiện vật của các cô từng kể lại rằng: “Cứ sắp đến ngày giỗ các cô thì ở hồ nước gần đó nở đúng 10 bông hoa súng rực rỡ sắc đỏ, đẹp ngỡ ngàng”.

Lúc xây dựng tháp chuông Đồng Lộc những người làm việc tại đây cũng chứng kiến nhiều điều kỳ lạ liên quan đến con số 10. Để treo chuông vào tháp, người ta phải đặt sợi xích treo quả chuông nặng gần 6 tấn phải đặt ở cảng Hải Phòng. Theo tính toán và thiết kế thì sợi dây chỉ cần dài hơn 8m nhưng để dự trù độ dư, Ban quản lý đã chọn mua sợi dây dài tới 9m.

Nhưng kỳ lạ thay, khi lắp dây vào treo chuông để chuẩn bị tối hôm sau khánh thành thì sợi dây này… thiếu hụt. Ban chỉ đạo công trình lập tức cho người ra cảng Hải Phòng ngay trưa hôm đó đổi mua lại sợi dây xích dài 10m thì lạ thay vừa vặn luôn, không thiếu, không thừa.

Sự linh thiêng của Đồng Lộc còn được chính những người thường xuyên làm việc tại đây chứng kiến. Anh Bùi Vĩnh Lưu (36 tuổi, trú xã Trung Lộc) chính là một trong những nhân viên nam làm công việc lo hương khói tại đây. Nhiều năm làm việc ở Đồng Lộc, anh Lưu cảm thấy nơi đây rất linh thiêng.

Đồng Lộc ngày nay hồi sinh diệu kỳ.
 Đồng Lộc ngày nay hồi sinh diệu kỳ.

Anh nhớ có lần, một đoàn khách miền Nam ra dâng hương tại phần mộ 10 cô gái, họ mua 9 bộ lễ, thiếu 1 bộ, song vẫn thắp hương. Đến khi ra về, xe ô tô không thể nào lùi được để ra, sau khi hỏi han mới biết, họ phải đi mua thêm 1 bộ lễ về thắp hương lại thì mới khởi hành được.

Lời kết: Chưa bao giờ người Hà Tĩnh ngừng tin vào sự linh thiêng của Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc - không phải bắt đầu hành trình mới mà chính là viết tiếp những huyền thoại còn dang dở, viết rằng chính nơi đó, sự sống đang hồi sinh từ cái chết. Bởi những ai ngã xuống nơi Đồng Lộc, người ta tin rằng, hồn của họ đã thấm vào mảnh đất ở đây, ảm đượm vào từng nhành thông, từng bụi hoa sim, tồn tại với Đồng Lộc cho đến bây giờ. Trong phảng phất khói hương, người ta hồi niệm lại cuộc chiến ác liệt một thời, nơi sự dũng cảm, kiên cường đã làm nên Đồng Lộc bất tử.

Như nhà thơ Tùng Bách đã từng viết về Đồng Lộc, rằng: 

“Tôi lại về Đồng Lộc

Sau hai mươi sáu năm cách xa

Nơi tôi đã sống những ngày đêm trụ bám

Một ngã ba đường hơn mọi ngã ba

Có thể Đồng Lộc không còn nhận ra tôi

Nhưng có thể nào tôi lại quên Đồng Lộc

Tuổi ngót nghét năm mươi

Nước mắt đâu dễ khóc

Những Cúc - Tần - Xanh - Rạng... bạn bè ơi !

Khói hương theo gió về trời

Tôi đây, tôi của một thời đạn bom!”

Đọc thêm