Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng: Kiên trì, năng động giúp dân giảm nghèo

(PLVN) - Một trong 10 thành tựu nổi bật mà Đà Nẵng đạt được trên con đường phát triển với vị trí là thành phố trực thuộc Trung ương là không còn hộ đói, giảm số hộ nghèo (theo chuẩn mới), mọi người dân đều có nhà ở, có việc làm, có cuộc sống văn hóa, văn minh...
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Thành tựu này không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu lớn cho Đà Nẵng được bình chọn làm thành phố đáng sống ở Việt Nam, mà còn ghi nhận hiệu quả hoạt động của nguồn vốn tín dụng chính sách đã cùng các chương trình dự án phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thay đổi diện mạo của Đà Nẵng - Trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học của khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Cụ thể thời gian qua, ngay từ những ngày đầu thành lập, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của thành phố non trẻ đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách, khẩn trương tiếp nhận tài sản, vốn liếng từ các đơn vị bạn và duy trì việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước được thông suốt, không bị gián đoạn.

Suốt chặng đường 18 năm qua, toàn đơn vị đã được ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương tin tưởng giao phó thực hiện thêm nhiều chương trình tín dụng ưu đãi để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ chương trình có quy mô nhỏ như cho vay đối với người tàn tật, cho vay lao động sau cai nghiện, sau cải tạo giam giữ, cho vay thí điểm làm chòi tránh lũ… đến những chương trình cho vay có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng rộng trong xã hội như cho vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...

Từ sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt thông qua sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc quán triệt, Chỉ thị 40/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nên các nguồn lực tài chính ở Đà Nẵng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước được quy về một đầu mối là NHCSXH. 

Theo báo cáo, đến 31/5/2020, tổng nguồn vốn NHCSXH Đà Nẵng có được 2.454 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng so với cuối năm 2019, trong đó riêng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến 999 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,7% tổng nguồn vốn, tăng 807 tỷ đồng so trước khi thực hiện Chỉ thị 40.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu 

Cũng từ sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương, song song với việc tiếp nhận nguồn vốn lớn từ nhiều nơi, NHCSXH Đà Nẵng đã kiên trì, năng động trong thực hiện quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đó là đội ngũ những người làm tín dụng chính sách ở thành phố luôn lăn lộn, bám sát cơ sở cùng bàn bạc kỹ lưỡng với cán bộ chính quyền, đoàn thể, cùng hướng dẫn tận tâm giúp người nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay đạt hiệu quả.

Đó là việc xây dựng củng cố mạng lưới có độ che phủ rộng lớn khắp địa bàn của NHCSXH thông qua 56 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo tiếp cận mọi chính sách ưu đãi về tín dụng của Đảng, Nhà nước.

Cũng cần kể đến công tác nâng cao chất lượng hoạt động của 1.761 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn cùng 225 hội đoàn thể các cấp thường xuyên làm tốt dịch vụ ủy thác, quản lý chặt chẽ và chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng.

Hết thảy những việc làm kiên trì ấy, những con người năng động ấy ở NHCSXH đã góp phần quan trọng thúc đẩy thành phố Đà Nẵng đổi thay, vươn cao, được lãnh đạo các cấp và đông đảo nhân dân địa phương tin yêu. Sự bền bỉ, sáng tạo ấy còn chung tay góp sức đã góp phần tích cực để Đà Nẵng hoàn thành Đề án giảm nghèo trước thời hạn 2 năm.

Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH Đà Nẵng cho biết: Cùng với chính sách, giải pháp nhằm tăng nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội, thành phố Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt và thực hiện sâu rộng hơn Chỉ thị 40 của Đảng về tín dụng chính sách, tạo sự thống nhất trong nhận thức, trong kết hợp kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động tín dụng chính sách, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong việc tập trung các nguồn lực từ ngân sách vào đầu mối chính là NHCSXH, gắn kết có hiệu quả với phát triển dịch vụ, thương mại, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, giúp người dân ổn định đời sống, phấn đấu vươn lên làm giàu cho gia đình, cho xã hội.

Đọc thêm