Ngân hàng đua “vớt” khách cuối năm

Cận Tết Nguyên đán, các ngân hàng đang đua nhau đưa ra những gói tín dụng tiêu dùng hấp dẫn nhằm đẩy vốn ra thị trường.

Cận Tết Nguyên đán, các ngân hàng đang đua nhau đưa ra những gói tín dụng tiêu dùng hấp dẫn nhằm đẩy vốn ra thị trường.

Cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay đang cạnh tranh rất khốc liệt. Ảnh minh họa
Cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay đang cạnh tranh rất khốc liệt. Ảnh minh họa

Cạnh tranh khốc liệt trong cho vay tiêu dùng

Cho vay tiêu dùng cá nhân với những khoản vay có hạn mức không lớn, thời gian vay linh hoạt, giải ngân nhanh chóng…, tín dụng tiêu dùng “đánh” trúng vào tâm lý cần mua sắm cuối năm của nhiều người, nhất là những người trẻ có mức thu nhập ổn định theo tháng.

Ngân hàng SeABank đang tiếp tục 2 chương trình ưu đãi cho khách hàng vay mua nhà “Thời điểm vàng cho ngôi nhà mơ ước” và “SeAHome Day - Thứ 3 đặc biệt” đến ngày 31/1/2013 với những ưu đãi hấp dẫn như lãi suất vay vốn 9,9%/ năm cho 3 tháng đầu tiên, giảm 50% phí trả nợ trước hạn trong suốt thời gian vay, ưu đãi đặc biệt cho khách hàng nộp đầy đủ hồ sơ vay vốn vào mỗi thứ 3 hàng tuần…

Một ngân hàng khác,  VPBank, cũng vừa bắt đầu triển khai sản phẩm cho vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm, dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào các mục đích tiêu dùng phục vụ đời sống như chăm sóc sức khỏe, sửa chữa, cải tạo nhà, mua ô tô, đầu tư kinh doanh nhỏ… VPBank sẽ đáp ứng tối đa 100% nhu cầu chi tiêu với hạn mức lên đến 500 triệu đồng, thủ tục vay đơn giản và thời gian vay linh hoạt từ 6 tháng đến 60 tháng.

Nếu như  một vài năm trước, phân khúc tín dụng tiêu dùng là ưu thế của các ngân hàng ngoại và công ty tài chính bởi thủ tục linh hoạt, cởi mở, thì trong 1 – 2 năm trở lại đây, phân khúc này ghi nhận sự góp mặt tích cực của các ngân hàng nội. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng chỉ thực sự “nở rộ” tại các ngân hàng nội trong vài tháng gần đây, khi lãi suất được hạ thấp xuống mức “dễ chấp nhận” hơn. Hiện, tín dụng tiêu dùng đang còn được coi là kênh đẩy vốn hiệu quả của nhiều ngân hàng thương mại.

“Cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay đang cạnh tranh rất khốc liệt, khối nội nhập cuộc với nhiều lợi thế, ít nhất là lãi suất của họ đang thấp hơn so với ngân hàng nước ngoài và các công ty tài chính” - ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết – “Lý do khiến các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng trong mấy tháng gần đây, trong đó bao gồm cho vay mua ô tô, xây nhà, sửa chữa nhà, mua bất động sản… với mức lãi suất ưu đãi vì hoạt động này vừa giúp ngân hàng giải phóng được nguồn vốn, vừa giúp người dân có vốn đầu tư, từ đó góp phần giúp doanh nghiệp giải phóng lượng hàng tồn kho, góp phần vào việc vực dậy nền kinh tế. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu đối với cho vay cá nhân cũng thấp hơn rất nhiều”.

Kinh tế khó khăn, khách hàng thận trọng

Khảo sát thị trường cho thấy, dù nhiều gói tín dụng tiêu dùng được đưa ra khá hấp dẫn, thậm chí những mặt hàng trong chương trình hợp tác giữa hãng sản xuất và đơn vị cung cấp tín dụng, doanh nghiệp phân phối còn có mức lãi suất bằng 0%, nhưng sự cạnh tranh khốc liệt trên dường như chưa đem lại kết quả mong muốn cho các bên. Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu khiến các gói sản phẩm vẫn chỉ mang tính quảng bá.

Ngân hàng ANZ Việt Nam đã tăng hạn mức tối đa cho vay tiêu dùng tín chấp lên cao, kéo dài thời gian vay lên 48 tháng, lãi suất giảm thêm..., tuy nhiên, một lãnh đạo khối ngân hàng bán lẻ của ANZ Việt Nam cho biết, do kinh tế khó khăn nên sản phẩm triển khai chưa được nhiều người dân sử dụng, nhiều người không mạnh dạn chi tiêu nữa.

“Vay tiêu dùng thực chất là mua sắm bằng thu nhập dự kiến trong tương lai, nhưng với sự khó khăn hiện nay, người ta lo đến sự bấp bênh trong thu nhập của mình. Như vậy, chỉ khi nền kinh tế ổn định thì những dịch vụ như vay tiêu dùng mới có thể phát triển đúng như tiềm năng vốn có của nó” – một lãnh đạo Ngân hàng ABBank nhận định.

Trong khi đó, dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cảnh báo, tiếp cận và chấp nhận các gói cho vay tiêu dùng, người vay cần phải cẩn trọng tránh rơi vào bẫy nợ lãi suất cao trong tương lai nếu không để ý tới các điều kiện vay nợ và thanh toán, điều chỉnh lãi suất vay theo định kỳ, với kỳ hạn điều chỉnh lãi suất khá ngắn cộng với biên độ cao mà các ngân hàng cài vào trong hợp đồng cho vay, cũng như nếu không cân nhắc kỹ các thu nhập thực tế bảo đảm thanh toán đúng hạn  của mình. 

“Đối với các ngân hàng, việc cho vay tiêu dùng cá nhân quá mức có thể đem lại rủi ro gắn với sự mất khả năng thanh toán đúng hạn của người vay, bởi các nguồn thu nhập thực tế của người vay có thể khác xa so với các giấy tờ xác nhận có chữ ký và đóng đủ dấu đỏ hợp lệ theo yêu cầu của ngân hàng” – ông Phong nhận định. 

Bách Linh

Đọc thêm