Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa lộ trình bảo hiểm xã hội toàn dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm cũng như mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Cán bộ BHXH tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho người dân.
Cán bộ BHXH tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho người dân.

Trước những khó khăn đó, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có nhiều giải pháp gia tăng số người tham gia vào hệ thống BHXH, đồng thời tích cực vào cuộc cùng Chính phủ, các bộ, ngành tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người tham gia.

Nhiều kết quả tích cực

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 có diễn biến đặc biệt phức tạp, đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Vượt qua những khó khăn này, toàn ngành BHXH đã nỗ lực, chủ động và linh hoạt các giải pháp nên công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn có chuyển biến tích cực và đã tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến ngày 31/5/2021, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người, đạt 32,495 lực lượng lao động, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 (nhưng vẫn giảm 38.941 người so với cuối năm 2020).

Riêng số tham gia BHXH bắt buộc là trên 15 triệu người, giảm 25.811 người so với cuối năm 2020, BHXH tự nguyện là trên 1,12 triệu người, giảm 13.060 người; số tham gia BHTN là trên 13,3 triệu người (đạt 26,73% lực lượng lao động) đạt 93,51% kế hoạch, giảm 20.737 người.

BHYT có sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ và cuối năm 2020, với trên 87,77 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số, đạt 97,6% kế hoạch, tăng thêm 246.185 người.

Đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Căn cứ vào đó, BHXH các địa phương chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ đạo về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong toàn hệ thống, đảm bảo giải quyết kịp thời, hiệu quả, chất lượng các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT và công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.

“Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng các quy định phòng chống dịch bệnh sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm; đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, DN và nhân dân” - ông Liệu nhấn mạnh.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thời gian qua, ngành BHXH luôn kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến của dịch bệnh.

Cụ thể, nhằm chia sẻ khó khăn với các DN và người lao động, ngành BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, DN được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động (NLĐ) tham gia BHXH trở lên, đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Các trường hợp còn lại tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, đó là giảm từ 20% số NLĐ tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021, đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021.

Cùng với đó, ngành BHXH cũng đề xuất chính sách hỗ trợ NLĐ thực hiện cách ly y tế từ quỹ BHTN. Trong đó, hỗ trợ NLĐ thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày (bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16 của Chính phủ); thời gian áp dụng từ 1/6 đến hết 31/12/2021.

Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam đã đề xuất trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho NLĐ theo phương thức do NLĐ lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, NLĐ chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.

Cần tăng tính hấp dẫn cho BHXH tự nguyện

BHXH Việt Nam cho biết, mặc dù đã đạt được những đột phá bước đầu, nhưng thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn có những hạn chế nhất định. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia (như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt…).

Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia; số người nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.

Trước những khó khăn đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thật sự trở thành lưới an sinh bao phủ toàn dân. Muốn vậy, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28, trong đó có 3 nhóm giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện.

Thứ hai, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành; các cơ quan thông tấn, báo chí; cấp ủy, chính quyền các cấp… đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách (chú trọng đa dạng hóa các hình thức truyền thông) nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính…; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho công chức, viên chức cơ quan BHXH/đại lý thu; thường xuyên thanh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chấn chỉnh, xử lý kịp thời sai phạm. Cùng với đó là tinh thần thái độ phục vụ người tham gia và người thụ hưởng ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Đọc thêm