Ngành cá tra thành công “ngoạn mục” và nhiều kỳ vọng trong thời gian tới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 25/2, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong thời gian qua, ngành cá tra gặp nhiều thách thức, khó khăn. Năm 2020, bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chính, thì năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đã bị tác động mạnh. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tạm ngưng hoặc dừng hoạt động, do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên với sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương, đã giúp cho kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn duy trì tăng trưởng. Sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 đạt 1,62 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một thành công “ngoạn mục” của ngành cá tra khi phải đương đầu với nhiều thách thức. Hiện giá cá tra nguyên liệu đạt khoảng 29.000-30.000đ/kg. Sau 3 năm “cá tra vất vả” thì đến năm 2021 mới được mùa, được giá. Giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022. Mục tiêu năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất khoảng từ 1,6 - 1,7 triệu tấn cá tra thương phẩm; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cho biết, thị trường và rào cản thương mại là thách thức đối với ngành hàng cá tra. Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá chia sẻ, nhờ thuận lợi về giá nguyên liệu và giá xuất khẩu, sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2022 - 2023. Giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá nuôi nước ngọt (cá tra) của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới. Từ đầu năm 2022, giá cá tra đã tăng rất cao là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, giá cao, tăng trưởng nóng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng... Tình hình thời tiết, khí hậu có thể tiếp tục diễn biến bất thường; hạn hán xâm nhập mặn diễn ra sớm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục triển khác các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất. Các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch diện tích nuôi; kiểm soát toàn diện các yếu tố đầu vào; nâng cao sức cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng giống, thức ăn, dinh dưỡng. Các địa phương Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng … tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp. Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ngành cá tra có nhiều tiềm năng và kỳ vọng trong thời gian tới

Ngành cá tra có nhiều tiềm năng và kỳ vọng trong thời gian tới

“Các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đọc thêm