Trong tháng 5, các nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra, giám sát hải quan tiếp tục được ngành Hải quan tập trung thực hiện. Trong đó, tích cực triển khai xây dựng mô hình (nghiệp vụ) hải quan hiện đại, hải quan số. Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cục hải quan một số tỉnh, thành phố đối với một số bài toán đặc thù để rà soát hoàn thiện các yêu cầu bài toán nghiệp vụ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện hải quan số.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng ban hành nhiều văn bản gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc bộ liên quan đến tăng cường, hướng dẫn về quản lý, giám sát hải quan và tham gia ý kiến về các chính sách, thủ tục có liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa như: gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên; kiểm tra Giấy phép CITES hàng xuất khẩu; kiểm tra chất lượng đối với thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản; vướng mắc mã loại hình; mã HS trên chứng từ chứng nhận xuất xứ mẫu D; tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng sorbitol...
Cùng với đó, cơ quan Hải quan cũng tăng cường quản lý đối với hàng hóa quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, đặc biệt đối với hàng hóa tồn đọng, hàng hóa đông lạnh để có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng thẩm lậu vào nội địa; tiếp tục triển khai đánh giá, chấn chỉnh tăng cường các biện pháp phù hợp đối với hàng hóa chuyển phát nhanh, hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp; đồng thời rà soát, chỉ đạo phối hợp giữa chi cục mở tờ khai xuất và chi cục dự kiến nhập khẩu xử lý dứt điểm tình trạng chênh lệch tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
Bên cạnh đó, hiện nay, Tổng cục Hải quan tiếp tục rà soát hồ sơ nhập khẩu mặt hàng đường tại một số đơn vị hải quan, đề xuất phương án về việc thực hiện thủ tục hải quan, áp dụng mức thuế suất đối với mặt hàng đường.
Hiện Tổng cục Hải quan đang tích cực xây dựng, xác định nhu cầu về trang thiết bị kỹ thuật cũng như biên chế làm việc của cơ quan Hải quan và dự kiến làm việc với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để phối hợp chuẩn bị cho hoạt động của cơ quan Hải quan tại sân bay quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành và đi vào khai thác.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong nửa cuối tháng 4/2022, đường nhập lậu và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tràn ngập và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường với ưu thế giá rẻ hơn giá thành đường từ mía, khiến cho đường sản xuất từ mía không thể tiêu thụ. Sự bế tắc đầu ra đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại.
Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam dẫn chứng số liệu nhập khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào (theo dữ liệu xuất khẩu do Thái Lan công bố) cho thấy sự gia tăng mạnh trong quý I/2022. Cụ thể, trong quý I/2022, Campuchia đã nhập khẩu đường từ Thái Lan 163.821 tấn, tăng 25%, còn Lào nhập khẩu 112.251 tấn, tăng đến mức 172% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Lào trong 3 tháng đầu năm 2022 gần bằng với mức nhập khẩu cả năm 2021.