Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự bắt đầu, thể hiện rõ nét nhất sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, kinh tế số, công nghệ thông tin và internet, sự tích hợp của nhiều công nghệ hiện đại trong nhiều lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học với công nghệ thông tin giữ vai trò chi phối và là trung tâm kết nối, HĐĐT đã ra đời và dần dần phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia thay thế hóa đơn giấy truyền thống.
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, HĐĐT đã trở nên khá phổ biến trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, HĐĐT đã chính thức có văn bản pháp lý riêng để triển khai áp dụng từ năm 2011 với sự ra đời của Thông tư 32/2011/TT-BTC.
Tuy vậy, với sự phát triển tự nhiên vốn có của nó, HĐĐT chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam bất chấp hình thức hóa đơn này có rất nhiều ưu điểm so với hóa đơn giấy truyền thống. Điều này đặt ra một đòi hỏi cấp thiết, cần nghiên cứu giải pháp để thúc đẩy sử dụng HĐĐT ở Việt Nam.
Cùng với sự phát triển HĐĐT thì cần hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về HĐĐT và các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế nhằm hỗ trợ cho hoạt động cung cấp, sử dụng, kiểm tra đối chiếu thông tin HĐĐT của người nộp thuế và hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác. Đặt trong bối cảnh đó cho thấy, đề tài “Nghiên cứu hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia và giải pháp thúc đẩy sử dụng HĐĐT” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn thiết thực.
Đề tài được Hội đồng đánh giá là một đề tài nghiên cứu khoa học rất công phu, nghiêm túc và có nhiều đóng góp có giá trị thực tiễn cao . Đề tài đã làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về HĐĐT và làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ sở dữ liệu như: khái niệm kho cơ sở dữ liệu, một số giải pháp cung cấp kho cơ sở dữ liệu của các hãng công nghệ lớn trên thế giới.
Ngoài ra đề tài đã giới thiệu kinh nghiệm áp dụng HĐĐT và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia của một số nước trên thế giới (Hàn Quốc, các nước EU, Đài Loan) và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và cũng đã đánh giá thực trạng sử dụng HĐĐT và cơ sở dữ liệu quốc gia về HĐĐT tại Việt Nam.
Đặc biệt đề tài đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sử dụng HĐĐT theo 3 nhóm chính là: Nhóm giải pháp cho ngành Thuế, nhóm giải pháp cho doanh nghiệp và nhóm giải pháp cho bên thứ ba. Trong đó, nhiều giải pháp có ý nghĩa thực tiễn cao như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hóa đơn để thúc đẩy sử dụng HĐĐT; xây dựng cơ chế để các đơn vị TVAN cung cấp dịch vụ gia tăng trong lĩnh vực hóa đơn; xây dựng chuẩn cơ sở dữ liệu để các doanh nghiệp kết nối với cơ quan thuế; lựa chọn hình thức HĐĐT phù hợp với quy mô, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó đề tài đã đề xuất 5 giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hóa đơn. Trong đó, một số giải pháp có tính khả thi cao, có thể nghiên cứu áp dụng trong thực tiễn là: Phương án lựa chọn hình thức đầu tư, giải pháp về thu thập dữ liệu hóa đơn từ các doanh nghiệp…
Đề tài được đánh giá có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đã giải quyết được đòi hỏi thực tiễn về HĐĐT, từ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp khi VN hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn và từ đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.Các đề xuất trong đề tài là có tính khả thi, có thể tham khảo khi hoàn thiện chính sách đãi thuế ở Việt Nam. Đây cũng là tại liệu tham khảo tốt trong công tác triển khai HĐĐT của Bộ Tài chính. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá loại Giỏi.