Ngành tôm Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1,1 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề, nhưng ngành tôm Cà Mau vẫn trở thành điểm sáng kinh tế của tỉnh khi kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra.

Con tôm - thế mạnh của tỉnh

Trong những ngày này, người dân tại xã Tân Bằng, Biển Bạch,… (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đang tất bật thu hoạch tôm càng nuôi xen trong ruộng lúa - tôm. Do tác động của dịch COVID-19 giá tôm càng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ nhưng năng suất tôm nuôi vẫn đạt cao.

Được biết, gia đình anh Lê Văn Thịnh (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) nhờ trúng mùa mà nguồn thu từ hơn 2ha đất canh tác, ước vẫn được khoảng 60 triệu đồng, ông Thịnh chia sẻ: “Tôm càng năm rồi, người dân thả khoảng 10 ngàn con, thu được 150 – 200kg. Năm nay có kinh nghiệm, lượng tôm thả nhiều hơn, mỗi ha thả khoảng 30 ngàn con”.

Bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, người dân nuôi xen tôm càng trong mô hình lúa - tôm đã từng rất lo lắng về đầu ra. Đến nay, mặc dù giá tôm thấp nhưng thu hoạch bao nhiêu bán được bấy nhiêu, sản lượng cũng đạt khá nên bà con vẫn rất vui.

Sản lượng tôm của Cà Mau vẫn tăng trưởng.

Sản lượng tôm của Cà Mau vẫn tăng trưởng.

Tại vùng chuyên canh tôm thuộc các huyện Phú Tân; Đầm Dơi; Năm Căn,... tình hình cũng tương tự. Theo ông Nguyễn Minh Luân (nuôi tôm siêu thâm canh ở xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) cũng chia sẻ: “Vụ mùa đầu năm bà con nuôi nhiều thì bị dịch bệnh giá giảm; vụ sau lo dịch bệnh COVID-19, bà con ít nuôi thì giá tăng. Đồng thời, nếu mua được giống tốt về nuôi nhanh lớn thì đạt 100 con, giá được 80 – 85 ngàn/kg thì có lời ít. Còn nếu con tôm bị chậm lớn hoặc xảy ra rủi ro thì chắc chắn lỗ, bây giờ thức ăn tôm cũng lên, thuốc cũng lên,… thậm chí giá điện cũng tăng hơn trước, thêm phần khó khăn cho người nuôi tôm”.

Tuy nhiên, những người dân gắn bó với nghề nuôi tôm thâm canh ở Cà Mau có niềm an ủi là thời tiết thuận lợi, nuôi dễ thành công và vụ mùa cuối năm nay thì giá cả ổn định. Chính những điều đó đã giúp sản lượng tôm của Cà Mau năm nay vẫn đạt hơn 218.000 tấn, tăng 4% so với năm ngoái, nhưng không đạt kế hoạch đề ra.

Xuất khẩu tôm vượt kế hoạch so với cùng kỳ

Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến XNK thủy sản Minh Cường (Xã Tắc Vân, Thành phố Cà Mau) Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: “Sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh sản xuất nên xảy ra khan hiếm nguyên liệu, sau đó không lâu thì ổn định lại. Cho nên, xuất khẩu tôm năm nay “khó trong nhưng thuận ngoài”. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch làm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng. Thuận lợi là các nước trên thế giới đồng loạt mở cửa, thị trường rộng mở. Năm nay, giá trị xuất khẩu của Công ty vẫn tăng trưởng nhưng không đạt kế hoạch đề ra".

Ông Tuấn chia sẻ thêm: “Nếu thị trường tốt, mình làm không đủ hàng cung cấp. Đặc biệt, vấn đề khó khăn năm nay là thiếu công nhân và thực hiện chống dịch bệnh COVID-19. Riêng việc test COVID-19 định kỳ, cứ 3 ngày/1 lần, mỗi lần hết khoảng 20 triệu đồng”.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vượt kế hoạch đề ra.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trong thời điểm đầu giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đều phải dừng hoạt động. Sau đó không lâu, những doanh nghiệp xuất khẩu tôm đảm bảo được các biện pháp phòng, chống dịch được trở lại sản xuất. Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Dương Vũ Nam, cho biết, theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trước tiên là chống dịch hiệu quả, sau đó là đảm bảo hoạt động sản xuất. Thế mạnh của tỉnh là con tôm nên rất được quan tâm.

“Năm nay hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn nhưng bên cạnh đó có những thuận lợi nhất định. Chính phủ đã kịp thời ban hành chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do nước ta tham gia ký kết (CPTPP, EVFTA, UKVFTA…) giúp tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường… Bây giờ doanh nghiệp hoạt động bình thường nhưng doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm. Các chi phí thực hiện chống dịch như ba tại chỗ, tình hình vận chuyển hàng hóa... tăng lên. Chi phí lớn quá nên lợi nhuận sẽ không thể đạt như thường niên. Xuất khẩu giờ rất tốt, giá và thì trường rộng mở, sản xuất bao nhiêu là nước ngoài mua hết. Hiện thị trường Mỹ vẫn đứng đầu, rồi đến EU, thị trường EU có chiều hướng tăng mạnh” - Ông Dương Vũ Nam phân tích về tình hình xuất khẩu tôm.

Do đó, trong một năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng ngành tôm Cà Mau đã có bước tiến đáng kể. Không chỉ sản lượng tôm nuôi vẫn tăng trưởng dương mà giá trị xuất khẩu cũng đạt khá cao, vượt kế hoạch đề ra.

Đọc thêm